Sau khi tối hậu thư buộc người biểu tình bỏ vũ khí trôi qua (ngày 14-4), Tổng thống lâm thời Ukraine Alexander Turchynov tuyên bố “cuộc chiến chống khủng bố” tại miền Đông đã bắt đầu. Ông còn mời Liên Hiệp Quốc tham gia chiến dịch này.
Nga sẵn sàng can thiệp?
Tuy nhiên, ông cũng bất ngờ đề nghị tổ chức trưng cầu ý dân toàn Ukraine về vấn đề liên bang hóa đồng thời với cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 25-5 nếu được quốc hội thông qua. Báo Vzglyad đưa tin Liên minh châu Âu (EU) đang tiếp xúc với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov về trưng cầu dân ý nhằm liên bang hóa Ukraine.
Trong khi đó, ở TP Gorlovka thuộc vùng Donetsk, sau khi đụng độ với cảnh sát, những người biểu tình đã chiếm văn phòng Bộ Nội vụ. Bên trong tòa nhà liên tục vang lên những tiếng nổ giống tiếng súng và ít nhất 1 người bị thương.
Cùng ngày, AP đưa tin các tay súng bịt mặt chiếm 1 sân bay quân sự bên ngoài TP Slovyansk thuộc vùng Donetsk. Đến nay, những người đòi ly khai đã chiếm đóng tòa nhà chính quyền và cơ sở an ninh ở 10 thành phố miền Đông Ukraine.
Ông Alexei Chmulenko, thành viên Hội đồng Phối hợp vùng Luhansk, tuyên bố với hãng tin Interfax rằng tuy có tin máy bay chở binh sĩ từ Kiev đã hạ cánh xuống sân bay Donetsk và tiểu đoàn vệ binh dự bị được điều động đến Slavyansk nhưng những người biểu tình không có ý định chấp nhận các điều kiện của tối hậu thư. Lực lượng tự vệ ở Slavyansk nhấn mạnh sẵn sàng chiến đấu, còn nhân viên hành chính vùng Luhansk đã được yêu cầu về nhà.
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quân sự - chính trị Ukraine Dmitry Timchuk khẳng định một số đơn vị quân đội Nga đóng thường trực tại biên giới với Ukraine đã chuyển sang tình trạng sẵn sàng chiến đấu vào đêm 13-4.
Ngoài ra, người phát ngôn Điện Kremlin ngày 14-4 cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin nhận được nhiều đề nghị giúp đỡ từ miền Đông Ukraine và đang theo dõi tình hình với “sự lo ngại sâu sắc”.
Hậu quả khó lường
Hai ứng cử viên tổng thống Ukraine - cựu Thủ tướng Yulia Tymoshenko và cựu Thống đốc vùng Kharkov Mikhail Dobkin - đã lên tiếng yêu cầu nhà chức trách hủy bỏ lệnh sử dụng vũ lực ở miền Đông để tránh những hậu quả khó lường.
Ngoại trưởng Nga Lavrov cũng cảnh báo quyết định sử dụng vũ lực là cực kỳ nguy hiểm và sẽ phá hỏng triển vọng hợp tác để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Tại cuộc họp khẩn cấp tối 13-4 của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Đại sứ Nga Vitay Churkin cũng nhấn mạnh cuộc gặp 4 bên gồm Nga, Mỹ, EU và Ukraine vào ngày 17-4 tới có thể không diễn ra nếu Kiev sử dụng vũ lực ở miền Đông.
Trong một diễn biến khác, Ngoại trưởng Nga Lavrov ngày 14-4 cho hay Moscow muốn Washington giải thích thông tin Giám đốc Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) John Brennan bí mật đến Kiev ngày 12-4 để “cố vấn cho chính quyền lâm thời Ukraine cách đối phó với các phần tử đòi ly khai ở miền Đông”.
Trong khi đó, cuộc họp ngày 14-4 của ngoại trưởng các nước EU đã chính thức thông qua gói hỗ trợ 1 tỉ euro (1,4 tỉ USD) cho Ukraine, đồng thời cắt giảm thuế tạm thời đối với các hàng hóa Ukraine, giúp nước này tiết kiệm gần 500 triệu euro/năm. Cùng ngày, Mỹ cũng ký bảo đảm khoản vay 1 tỉ USD cho Ukraine.
Người Ukraine ồ ạt rút tiền
Trích dẫn dữ liệu thống kê mới nhất của Ngân hàng Quốc gia Ukraine, hãng tin Itar-Tass ngày 14-4 cho biết người dân Ukraine đang đổ xô rút tiền tiết kiệm. Nguyên nhân được cho là do chính trị bất ổn và đồng nội tệ giảm giá. Các ngân hàng đang cố thu hút người gửi tiền bằng cách tăng lãi suất nhưng biện pháp này lại khiến một bộ phận khách hàng lo sợ.
Trong một diễn biến khác, người biểu tình trên Quảng trường Độc Lập ở Kiev và tổ chức “Vì một cuộc sống đàng hoàng” tuyên bố nếu chính quyền lâm thời không đáp ứng đòi hỏi của nhân dân và không ổn định tình hình kinh tế, Ukraine sẽ chìm trong những cuộc biểu tình phản đối.
Bình luận (0)