Tổng thống Argentina Mauricio Macri xuất hiện trước một công tố viên liên bang ngày 8-4 để giải thích sau khi tên ông bị nhắc đến trong “Hồ sơ Panama” nói trên. Giới truyền thông địa phương dẫn thông tin từ tài liệu cho thấy ông Macri là giám đốc của một công ty ở Bahamas.
Ông Macri khẳng định mình không làm gì sai và cam kết hợp tác đầy đủ với các nhà điều tra. Nhà lãnh đạo Argentina nhấn mạnh ông không sở hữu bất kỳ cổ phiếu nào cũng như không hề nhận bất kỳ khoản lương nào cho vai trò giám đốc một công ty bình phong ở nước ngoài.
Trong khi đó, Thủ tướng Anh David Cameron đang bị Công Đảng đối lập cáo buộc là “đạo đức giả” sau khi ông thừa nhận từng sở hữu cổ phần trong một quỹ đầu tư do người cha quá cố Ian Cameron lập ra ở nước ngoài.
Trả lời phỏng vấn kênh ITV News ngày 7-4, ông Cameron khẳng định vài tháng trước khi trở thành thủ tướng (năm 2010), ông đã bán hết số cổ phần trong quỹ đầu tư Blairmore Holdings và đóng thuế đầy đủ từ khoản tiền có được. Ông Cameron nhấn mạnh quỹ đầu tư Blairmore Holdings được lập ra không phải để trốn thuế.
Còn tại Thái Lan, nhà chức trách hôm 8-4 bắt đầu điều tra 16 người có tên trong “Hồ sơ Panama”. Theo hãng tin Reuters, 16 người đó gồm các chính trị gia đương chức, cựu chính trị gia và doanh nhân nổi tiếng. Chính quyền Bangkok đang hợp tác với cơ quan chống rửa tiền của Panama và sẽ không công bố tên của những cá nhân này cho đến khi cơ quan chức năng xác thực được thông tin bị rò rỉ.
Trong bước đi tương tự, công tố viên TP Geneva - Thụy Sĩ thông báo nước này đã mở một cuộc điều tra hình sự liên quan tới vụ “Hồ sơ Panama” nhưng không tiết lộ thêm thông tin chi tiết. Còn Liên minh châu Âu đe dọa trừng phạt Panama và các nước khác nếu họ không hợp tác toàn diện trong cuộc chiến chống rửa tiền và trốn thuế.
Bình luận (0)