Thế giới có lẽ không thể nào biết những gì đã xảy ra với Warmbier, người bị giam 17 tháng vì có hành vi "chống phá chính quyền Triều Tiên" trước khi được phóng thích và đưa về Mỹ hôm 13-6.
Tuy nhiên, cha của anh tin rằng con mình bị lừa đi du lịch Bình Nhưỡng vì những mục đích "độc ác". "Người Triều Tiên dụ dỗ người Mỹ đến nước họ thông qua các công ty lữ hành hoạt động ở Trung Quốc. Những công ty này đăng quảng cáo nói không người Mỹ nào bị giam giữ khi đi tour của họ và Triều Tiên là điểm đến du lịch an toàn" - ông Fred Warmbier nói với đài CNN.
Young Pioneer Tours, công ty lữ hành Trung Quốc tổ chức chuyến đi định mệnh của Warmbier, hôm 20-6 bác bỏ cáo buộc trên nhưng thông báo không còn nhận đưa công dân Mỹ đến Triều Tiên. Công ty này giải thích những gì xảy ra với sinh viên 22 tuổi cho thấy rủi ro quá lớn mà công dân Mỹ đối mặt khi đến Bình Nhưỡng.
Một số công ty lữ hành khác cũng xem xét lại chính sách đối với khách hàng Mỹ giữa lúc Ngoại trưởng Rex Tillerson nói về khả năng cấm công dân Mỹ đến Triều Tiên. Warmbier thuộc số 5.000 người nước ngoài (không tính người Trung Quốc) du lịch Triều Tiên mỗi năm.
Sinh viên Otto Warmbier ra tòa ở Triều Tiên hôm 16-3-2016 Ảnh: AP
Hiện còn 3 công dân Mỹ bị giam giữ tại Triều Tiên sau khi bị kết tội chống chính quyền Bình Nhưỡng và ông Tillerson kêu gọi phóng thích tất cả họ sau khi hay tin về cái chết của Warmbier. Theo đài CNN, Washington cáo buộc Bình Nhưỡng sử dụng những tù nhân này như là "con tốt chính trị". Trái lại, Triều Tiên tố Mỹ và Hàn Quốc cử điệp viên để lật đổ chính phủ mình.
Theo một số chuyên gia, bi kịch của Warmbier có thể buộc Tổng thống Donald Trump có hành động mạnh mẽ hơn để đối phó Triều Tiên. Sự thay đổi này có thể dẫn đến việc Washington tăng áp lực để Bắc Kinh cứng rắn hơn với Bình Nhưỡng. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta gợi ý những lựa chọn của chính quyền Mỹ là yêu cầu Trung Quốc tìm hiểu xem chuyện gì xảy ra với Warmbier, phản đối về mặt ngoại giao và siết chặt trừng phạt hơn nữa (nhằm vào cả Triều Tiên và những nước bị xem là ủng hộ hoạt động trái phép của Bình Nhưỡng).
Washington sẽ có cơ hội làm thế, nếu muốn, khi các quan chức cấp cao Mỹ - Trung Quốc gặp nhau tại cuộc đối thoại ngoại giao và an ninh ở Washington trong ngày 21-6 với tham vọng hạt nhân, tên lửa của Triều Tiên là nội dung thảo luận hàng đầu. Bà Susan Thornton, quyền trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, hôm 19-6 cho biết Washington sẽ tiếp tục thúc giục Bắc Kinh sử dụng vai trò là đối tác thương mại lớn nhất của Bình Nhưỡng để thúc ép nước này ngưng chương trình tên lửa, hạt nhân.
Bình luận (0)