Thế nhưng, "truyền thống" đó không còn ở lần họp tại TP Hamburg - Đức tới đây. Theo trang Bloomberg, khi các lãnh đạo thế giới nhóm họp vào ngày 7-7, Trung Quốc và Đức sẽ thế vai Mỹ.
Các nhà ngoại giao từ một số nước thành viên G20 tiết lộ 2 cường quốc công nghiệp của châu Á và châu Âu nói trên đang được trông đợi liên kết với nhau - dù là không chính thức - nhằm gánh vác vị trí mà Washington không còn xem trọng kể từ khi ông Donald Trump nhậm chức.
Tình thế này ngày càng rõ ràng hơn, một phần vì lần đầu tiên kể từ khi nhóm thành lập, Mỹ có một tổng thống theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ. Tại hội nghị sắp tới, tổng thống Mỹ có nguy cơ một mình đối mặt một mặt trận thống nhất, tập hợp những nước còn lại, trong những vấn đề quan trọng nhất.
Giới quan sát cho rằng 3 chuyến thăm Đức của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường thời gian qua cho thấy 2 nước đang cùng tiến tới lấp chỗ trống trong lúc Mỹ tạm thời "nghỉ hưu". Sự rút lui của Washington càng thêm rõ khi ông chủ Nhà Trắng rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và gần đây hơn là Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. "Hai lãnh đạo quan trọng nhất thế giới lúc này là Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Angela Merkel" - Đại sứ tại Bắc Kinh của Argentina (một thành viên G20) Diego Ramiro Guelar nhận định.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói chuyện với Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 năm 2016 ở Hàng Châu Ảnh: REUTERS
Trong lúc xích gần hơn với Bắc Kinh, chính quyền của nữ thủ tướng quyền lực nhất châu Âu tiếp tục phát đi tín hiệu cho thấy sự xa cách với chính quyền ông Donald Trump. Từ "bạn bè", vốn là điểm nhấn về Mỹ trong chiến dịch tranh cử trước đây, đã không còn xuất hiện trong chương trình tranh cử mới nhất của bà Merkel và lãnh đạo Đảng Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) Horst Seehofer hôm 3-7.
Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế đáng kể về cỗ máy lãnh đạo Đức - Trung. Quan hệ 2 nước tồn tại khúc mắc về tình trạng mất cân bằng thương mại. Đức xuất khẩu lượng hàng hóa hơn 85 tỉ USD sang Trung Quốc trong năm 2016 và là nhà đầu tư châu Âu lớn nhất tại nền kinh tế số 2 thế giới. Thế nhưng, Berlin cho rằng những con số này còn có thể cao hơn nhiều nếu Trung Quốc không dựng lên những rào cản vốn không hề tồn tại ở châu Âu.
Theo Bloomberg, bà Merkel nhận thức rõ những nguy cơ của việc để Trung Quốc lôi kéo Đức xa rời Liên minh châu Âu (EU), tạo ra một mối quan hệ đối tác bị xem là thiếu cân bằng giữa 2 quốc gia có hệ thống chính trị khác nhau và không có nhiều lợi ích chung. Trả lời phỏng vấn tạp chí doanh nghiệp Đức Wirtschaftswoche trong tuần này, bà Merkel ủng hộ lời kêu gọi của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về việc tăng cường ngăn chặn doanh nghiệp nước ngoài thu mua các công ty quan trọng tại EU.
"Nếu những nước như Trung Quốc muốn thâu tóm các công ty vốn được chúng tôi xây dựng với rất nhiều hỗ trợ, chúng tôi sẽ phải phản ứng" - bà Merkel nhấn mạnh, viện dẫn các công ty công nghệ về vi mạch hoặc trí tuệ nhân tạo đang lọt vào tầm ngắm của Trung Quốc.
Bình luận (0)