Ông Mattis đã phát biểu như trên khi bắt đầu cuộc gặp tay ba với 2 vị đồng cấp Nhật Bản Itsunori Onodera và Hàn Quốc Song Young-moo bên lề Đối thoại Shangri-la ở Singapore hôm 3-6. Đồng thời, ông chủ Lầu Năm Góc nhấn mạnh con đường đi đến thượng đỉnh Mỹ - Triều vẫn còn gập ghềnh. Hãng tin Reuters nhận định bình luận trên nhắm vào mối quan ngại có thể Mỹ sẽ thực hiện bước đột phá tại cuộc gặp chưa từng có giữa lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên sau khi Tổng thống Donald Trump nối lại việc chuẩn bị cho ngày 12-6 ở Singapore.
Theo hãng tin Yonhap, cũng trong ngày 3-6 tại làng Bàn Môn Điếm đã diễn ra vòng 4 cuộc đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên để chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh sắp tới. Trong khi đó, một viên chức Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết Hàn Quốc và Mỹ có kế hoạch kiềm chế cuộc tập trận phối hợp thường xuyên của 2 nước ở mức độ nhẹ nhàng nhằm duy trì trạng thái hòa hoãn, phản ánh tình hình an ninh mới liên quan đến Triều Tiên.
Đặc phái viên Triều Tiên Kim Yong-chol chụp ảnh chung với Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 1-6 Ảnh: WASHINGTON POST
Tình hình trở nên lạc quan hơn khi tờ báo Nhật Asahi Shimbun đưa tin Triều Tiên đã thay thế Bộ trưởng Quốc phòng Pak Yong-sik bằng một nhân vật ôn hòa hơn trước thềm hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều. Đó là ông No Kwang-chol, Chủ tịch Ủy ban Kinh tế thứ hai Đảng Lao động và là cựu phó tư lệnh Bộ Tổng tham mưu quân đội nhân dân Triều Tiên (KPA). Ngoài ra, có tin đồn ông Ri Myong-su, tư lệnh KPA, cũng sẽ ra đi.
Tuy nhiên, tờ Rodong Shinmun tuần trước khẳng định Triều Tiên sẽ không từ bỏ vũ khí hạt nhân để đổi lấy viện trợ kinh tế của Mỹ như Tổng thống Trump từng hứa hẹn Triều Tiên sẽ trở nên thịnh vượng nếu đồng ý phi hạt nhân. Bất chấp lệnh trừng phạt quốc tế, Triều Tiên vẫn tuyên bố rõ ràng rằng ưu tiên hàng đầu của nước này là vấn đề an ninh.
Báo The New York Times cho rằng ông Kim Jong-un là nhà lãnh đạo đầy kiêu hãnh không muốn trở thành một con người dễ bị tổn thương hoặc dễ bị ảnh hưởng bởi những khoản hối lộ kinh tế. Triều Tiên cũng không muốn quá phụ thuộc về kinh tế vào Mỹ hoặc bất cứ nước nào khác.
Trong khi đó, Bình Nhưỡng được cho là đã đạt được thắng lợi về tuyên truyền từ cuộc tiếp đón nồng nhiệt của Tổng thống Trump với ông Kim Yong-chol khi cựu trùm tình báo Triều Tiên tới trao lá thư khổ lớn của lãnh đạo Kim Jong-un tại Nhà Trắng hôm 1-6. Theo phân tích của cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, bức ảnh ông chủ Nhà Trắng tươi cười đứng cạnh Kim Yong-chol sẽ được người Triều Tiên hiểu là lãnh đạo của họ đang ngang hàng với Mỹ. Thế nhưng, về phần mình, ông Trump cũng xem những bức ảnh này là một chiến thắng, là biểu tượng mà ông mong muốn để loại bỏ những quy ước về ngoại giao đã trói buộc các vị tiền nhiệm của ông và gây cản trở nỗ lực cắt giảm chương trình hạt nhân Triều Tiên.
Bình luận (0)