Bà Kim Yo-jong, cố vấn quan trọng của ông Kim Jong-un, đã được đề bạt vào Ủy ban Quốc vụ (SAC) trong bối cảnh 9 thành viên của cơ quan này bị bãi nhiệm, gồm Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Pak Pong-ju và nhà ngoại giao Choe Son-hui, nữ quan chức cấp cao hiếm hoi trong chính phủ Triều Tiên từng có vai trò quan trọng trong các cuộc đàm phán với Mỹ.
Tờ Rodong Sinmun hôm 30-9 đăng tải chân dung của 8 nhân vật mới được bổ nhiệm. Bà Kim Yo-jong nổi bật trong số họ cả về tuổi trẻ và là phụ nữ duy nhất.
Bà Kim Yo-jong đã được đề bạt vào Ủy Quốc vụ (SAC). Ảnh: Reuters
Bà Kim thường xuất hiện bên cạnh anh trai tại các hội nghị thượng đỉnh của nhà lãnh đạo Kim và cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.
Vai trò chính trị của bà Kim Yo-jong cũng như khả năng trở thành người kế nhiệm anh trai trong tương lai đã trở thành chủ đề đồn đoán từ lâu.
Bà Kim từng nhiều lần chỉ trích gay gắt Washington và Seoul trong những tuyên bố được truyền thông nhà nước đưa tin, đặc biệt liên quan đến vụ cho nổ tung văn phòng liên lạc ở biên giới liên Triều do Hàn Quốc xây dựng và chi trả.
Bà Kim Yo-jong từng đảm nhận nhiều chức vụ khác nhau nhưng vai trò mới tại Ủy ban Quốc vụ là vị trí cao nhất từ trước đến nay của em gái nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Trong diễn biến khác, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cho biết ông sẵn sàng khôi phục các đường dây nóng liên Triều đã bị ngắt vào tháng tới nhưng cáo buộc Mỹ đề xuất các cuộc đàm phán mà không thay đổi "chính sách thù địch" nhằm vào Triều Tiên.
Theo KCNA, Triều Tiên đã cắt đường dây nóng vào đầu tháng 8 để phản đối các cuộc tập trận chung giữa Hàn Quốc và Mỹ, chỉ vài ngày sau khi Washington-Seoul nối lại các cuộc tập trận đầu tiên trong năm nay.
Ông Kim cho biết quyết định nối lại các đường dây liên lạc này nhằm giúp hiện thực hóa những kỳ vọng và mong muốn của toàn thể dân tộc Triều Tiên đối với sự phục hồi và hòa bình lâu dài trong các mối quan hệ xuyên biên giới.
Tuy nhiên, ông Kim đã có thái độ cứng rắn hơn đối với Washington, cáo buộc chính quyền của Tổng thống Joe Biden vẫn theo đuổi các mối đe dọa quân sự và chính sách thù địch đối với Triều Tiên trong khi đề xuất đàm phán.
Bình luận (0)