Các nhà ngoại giao EU cho biết trong khi Đức muốn đẩy mạnh lệnh trừng phạt thì một số thành viên EU từ chối với lý do thỏa thuận ngừng bắn tại Ukraine đang được tuân thủ. Thủ tướng Đức Angela Merkel yêu cầu áp dụng lệnh trừng phạt trước, sau đó xem xét tạm hoãn nếu Nga thực sự hướng tới kế hoạch hòa bình cho Ukraine.
Cao ủy đối ngoại mới của EU, Ngoại trưởng Ý Federica Mogherini, nói với các phóng viên: “Một số quốc gia đang yêu cầu thêm thời gian. Đoàn kết bây giờ là chiến lược tuyệt đối quan trọng”.
Tuy nhiên, các hình thức trừng phạt Moscow trên lý thuyết vẫn được thực hiện theo sự nhất trí của đại sứ các nước thành viên EU hôm 5-9.
Lệnh trừng phạt mới của EU csiết chặt thêm các biện pháp đã được khối thông qua cuối tháng 7 đối với các lĩnh vực dầu mỏ, quốc phòng và các công nghệ lưỡng dụng (quân sự - dân sự) của Nga.
Ngoài 5 ngân hàng công của Nga bị trừng phạt, các công ty nhà nước trong lĩnh vực dầu mỏ và quốc phòng sẽ nằm trong danh sách này là Rosneft, Transneft và chi nhánh dầu mỏ của tập đoàn năng lượng Gazprom. Chi nhánh khí đốt của Gazprom không nằm trong vòng trừng phạt, do châu Âu phụ thuộc vào nguồn khí đốt do tập đoàn này cung cấp. Các công ty này không được huy động vốn tại thị trường châu Âu cũng như không được bán cổ phiếu trên thị trường EU.
Ngoài ra, trong danh sách trừng phạt do EU công bố ngày 6-9 còn bao gồm nhà sản xuất xe tăng Uralvagonzavod, công ty hàng không vũ trụ Oboronprom và tập đoàn sản xuất máy bay thống nhất UAC đến từ Nga.
Moscow sau đó tìm cách trì hoãn lệnh trừng phạt. Hôm 8-9, Đại sứ Nga tại EU Vladimir Chizhov đã nói chuyện với Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy, chủ tịch hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu và đại diện cấp cao của EU Catherine Ashton để bàn bạc về vấn đề này.
Ông Chizhov nhấn mạnh vào những hành động thiện chí của Nga gần đây như đồng ý thỏa thuận ngừng bắn tại Ukraine và kêu gọi EU nhìn vào những gì đang xảy ra.
Về phần mình, ông Van Rompuy tuyên bố nếu lệnh ngừng bắn ở miền Đông Ukraine được kéo dài hoặc các bên tiến hành đàm phán về một thỏa thuận hòa bình, EU sẵn sàng xem xét lại một phần hoặc toàn bộ gói trừng phạt mới.
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko sẽ được mời phát biểu tại cuộc họp của Quốc hội Mỹ ngày 18-9.
Ảnh: AP
Trong khi đó, Chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner công bố hôm 10-9 rằng Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko sẽ được mời phát biểu tại cuộc họp của Quốc hội Mỹ vào tuần này.
Đây là chuyến thăm Washington đầu tiên của ông Poroshenko trên cương vị tổng thống. Bài phát biểu của nhà lãnh đạo Ukraine sẽ diễn ra vào ngày 18-9.
Bình luận (0)