Người này tên Bành Tuyết Hoa, còn được gọi là Edward Peng, bị bắt hôm 27-9 tại nhà riêng tại TP Hayward. Ông ta bị buộc tội sử dụng tin nhắn mã hóa và chuyển tài liệu mật đánh cắp về Bắc Kinh thông qua "hòm thư chết".
Tại tòa án liên bang Oakland, công tố viên hôm 25-11 đề nghị mức án 4 năm tù và phạt 30.000 USD, thay vì phải lãnh mức án tối đa là 10 năm tù và khoản tiền phạt 250.000 USD.
Bành nhiều lần bay về Bắc Kinh để đích thân cung cấp thông tin cho các sĩ quan tình báo Trung Quốc và giao nhận tiền mặt trị giá hàng chục ngàn USD.
Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã giăng bẫy bắt Bành Tuyết Hoa theo một kế hoạch tỉ mỉ triển khai từ tháng 3-2015 có liên quan đến một điệp viên hai mang khác.
Các nhà chức trách Mỹ cung cấp cho điệp viên hai mang thông tin mật đã được xử lý và lừa Bành Tuyết Hoa vào tròng khi người này lái chiếc Mercedes màu bạc đến khách sạn lấy thẻ SD để lại ở quầy lễ tân khách sạn trong một vật dụng.
Đoạn video ghi lại cảnh ông Bành cầm "hòm thư chết" trong phòng khách sạn. Ảnh: BỘ TƯ PHÁP MỸ
Cơ quan an ninh Mỹ xác nhận Bành thực hiện nhận chuyển tin một lần vào tháng 6-2015 tại Newark (bang California) và ít nhất 4 lần giao nhận tin và tiền thanh toán ở Newark, Oakland (bang California) và Columbus (bang Georgia) trong khoảng thời gian từ năm 2015 đến năm 2018. Số tiền Bành trả để mua thông tin ít nhất là 70.000 USD.
Đoạn video của FBI do Bộ Tư pháp Mỹ công bố cho thấy Bành sử dụng một số "hòm thư chết" (hòm thư mật được các điệp viên sử dụng để truyền thông tin hoặc vật phẩm ở những địa điểm bí mật).
Trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Mỹ phụ trách an ninh quốc gia, ông John Demers, cho rằng việc bắt Bành Tuyết Hoa đã "phanh phui và phá vỡ một hoạt động tình báo của các gián điệp Trung Quốc chuyên thu thập các dạng thông tin kiểu này mà không cần phải vào Mỹ".
Cáo buộc dài 22 trang của Bộ Tư pháp Mỹ cho biết Bành Tuyết Hoa có bằng cấp chuyên môn về cơ khí, ngoài ra còn được đào tạo về y học cổ truyền Trung Quốc nhưng gần đây ông ta làm hướng dẫn viên cho khách du lịch Trung Quốc đến Mỹ.
Với tư cách cư dân của Hayward thuộc Vịnh San Francisco, ông Bành đến Mỹ bằng visa kinh doanh tạm thời. Sau khi kết hôn, ông ta trở thành cư dân thường trú vào tháng 2-2006 và được nhập quốc tịch Mỹ vào tháng 9-2012.
Luật sư David Anderson hôm 30-9 cho biết hành vi bị buộc tội trong vụ việc này được cho có sự kết hợp giữa thủ đoạn gián điệp kiểu cũ và công nghệ hiện đại. Ảnh: REUTERS
Theo các công tố viên, vụ án này mang lại một "cái nhìn hiếm hoi" về cách Bắc Kinh thu thập thông tin tình báo ở Mỹ. Vụ án cho thấy tính nghiêm trọng của cuộc đối đầu giữa những nỗ lực hoạt động gián điệp của Trung Quốc tại Mỹ và quyết tâm của Washington trong việc ngăn chặn các hoạt động của tình báo nước ngoài.
Nỗ lực quét sạch gián điệp của chính phủ Trung Quốc và hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ bắt đầu dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama. Những năm gần đây, có 3 trường hợp cựu sĩ quan tình báo Mỹ bị kết án làm điệp viên cho Trung Quốc. Hồi tháng 11-2018, Bộ Tư pháp Mỹ triển khai chiến dịch "Sáng kiến Trung Quốc" với mục đích đối phó với các mối đe dọa an ninh quốc gia từ Trung Quốc. Chiến dịch này xác định và khởi tố các vụ đánh cắp bí mật thương mại và tài sản trí tuệ, tấn công mạng và gián điệp kinh tế.
Bình luận (0)