Tại buổi tiệc tối 5-9, Tổng thống nước chủ nhà Vladimir Putin đã đề nghị các nhà lãnh đạo nêu quan điểm về vấn đề Syria. Thủ tướng Ý Enrico Letta cho biết nội dung các phát biểu đã chính thức xác nhận "sự chia rẽ về vấn đề Syria trong nội bộ G20". Ông Dmitry Peskov, người phát ngôn của Tổng thống Nga, cũng xác nhận trong lúc một số nước muốn nhanh chóng trừng phạt Syria thì một số nước khác yêu cầu Mỹ tìm kiếm sự phê chuẩn của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về vấn đề này
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Tổng thống Mỹ Barack Obama đối đầu về vấn đề Syria tại Hội nghị G20 Ảnh: Reuters
Theo hãng tin Reuters, Tổng thống Mỹ Barack Obama đang đối mặt với sức ép ngày càng tăng tại Hội nghị G20 về việc ngưng kế hoạch can thiệp quân sự vào Syria do những lo ngại về tác động của nó. Các thành viên Nhóm Các nền kinh tế mới nổi BRICS (Brazil, Nga, Ấn Ðộ, Trung Quốc, Nam Phi) và đại diện Liên minh châu Âu đều cảnh báo về những nguy cơ của một cuộc tấn công mà không có sự hậu thuẫn của Hội đồng Bảo an.
Thứ trưởng Tài chính Trung Quốc Chu Quang Diệu nhận định: "Hành động quân sự sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế thế giới, đặc biệt là giá dầu sẽ tăng vọt". Phát biểu với các nhà lãnh đạo tại hội nghị, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon nhắc nhở rằng bất kỳ hành động quân sự nào đều phải được Hội đồng Bảo an cho phép.
Không phải nước thành viên G20 nào cũng phản đối Mỹ tấn công Syria. Một số nguồn tin cho biết các nhà lãnh đạo Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Canada và Anh đã ủng hộ mạnh mẽ lời kêu gọi hành động quân sự của ông Obama. Ngoại trưởng Úc Bob Carr cũng khẳng định nước này sẽ sát cánh cùng Mỹ trong các cuộc tấn công quân sự nhằm vào Syria. Ông Carr cho biết tình báo Úc đã xác nhận chính quyền Syria đứng đằng sau vụ tấn công hóa học. Dù vậy, đài BBC ghi nhận số nhà lãnh đạo phản đối hành động quân sự xem ra nhiều hơn hẳn số ủng hộ ngay trong nội bộ G20.
Vấn đề Syria đã phủ bóng đen lên Hội nghị G20 vốn có chương trình nghị sự tập trung vào việc thúc đẩy tăng trưởng, tạo công ăn việc làm và những vấn đề khác liên quan đến kinh tế. Dù vậy, theo Tân Hoa Xã, các nhà lãnh đạo G20 trong ngày làm việc đầu tiên cũng đã thông qua một kế hoạch hành động, còn được gọi là "Chiến lược phát triển St. Petersburg" nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và ưu tiên phát triển đối với các nước thành viên trong trung hạn.
Bình luận (0)