Lúc này, có vẻ như ông Obama không thể thắng trong cuộc bỏ phiếu của quốc hội cho phép hành động quân sự ở Syria. Ngay cả khi đã được thượng viện ủng hộ, ông vẫn có thể bị đánh bại ở hạ viện nếu như cuộc bỏ phiếu đã được tổ chức vào thứ sáu mới đây.
Rồi những gì sẽ xảy ra sau đó? Câu trả lời có thể ảnh hưởng sâu sắc đến chính sách đối ngoại Mỹ và quan hệ giữa quốc hội với ngành hành pháp nhiều năm tới.
Quyết định đầu tiên và quan trọng nhất đối với Tổng thống Obama sẽ là liệu ông có khả năng vượt qua mọi rào cản để tấn công chế độ Bashar al-Assad ở Syria bất chấp thái độ của quốc hội? Giới chức Nhà Trắng nói rằng ông Obama tin là ông có quyền tấn công cho dù kết quả bỏ phiếu ở Quốc hội như thế nào (thực tế đã có những hành động như vậy của một số tổng thống trong quá khứ). Thế nhưng, tại cuộc họp báo hôm thứ sáu, câu hỏi “ông sẽ làm gì nếu quốc hội bỏ phiếu chống” đã bị ông Obama khước từ. Ông chỉ dè dặt như vẫn dè dặt: “Tôi nghĩ sẽ là sai lầm nếu quá vội vàng bởi ngay lúc này, tôi đang tìm kiếm càng nhiều sự ủng hộ càng tốt bên ngoài quốc hội”.
Nhưng một số chỉ dấu cho thấy cuộc tấn công Syria là không thể xảy ra mà không có sự đồng thuận của quốc hội. Một bài báo đăng trên tờ New York Times hôm thứ sáu đã dẫn lời các cố vấn Nhà Trắng ẩn danh nói rằng cách hành động đơn phương như thế “hầu như không thể tưởng tượng được” và chắc chắn sẽ mở đầu một hành động đi đến sự luận tội tại hạ viện, làm tiêu hao sinh lực chính quyền Obama.
Hậu quả đó sẽ khiến cho nước Mỹ trở nên ít quyết đoán hơn đối với thế giới trong những năm tới? Rất có thể. Không nhận được sự ủng hộ của quốc hội lần này, ông Obama có thể miễn cưỡng đến với quốc hội lần nữa nếu al-Assad bị đẩy vào thế chông chênh và tiếp tục dùng vũ khí hóa học chống lại dân thường. Theo cách đó, những vấn đề về hạt nhân của Iran, Triều Tiên và những điểm nóng khác sẽ càng thách thức và “lằn ranh đỏ” dễ trở thành khẩu hiệu mà ai cũng có thể hô được.
Nhiều quan chức ở Washington tin rằng thất bại về vấn đề Syria sẽ đẩy ông Obama vào thế yếu trong các cuộc tranh luận tại quốc hội sắp tới. “Tôi không thể tin được ông ấy lại xử lý vấn đề tệ như vậy” - thượng nghị sĩ John McCain ngán ngẩm. Chắc hẳn thái độ thất vọng đó không chỉ có ở ông McCain, nhất là sau khi ông Obama trở về gần như tay trắng từ Hội nghị Thượng đỉnh St. Petersburg - Nga, nơi Syria trở thành vấn đề nóng trong cuộc tranh luận Obama - Putin.
Bình luận (0)