Đang ở thăm Paris - Pháp, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry quả quyết số nước sẵn sàng tham gia hành động quân sự đối với Syria đã lên “hai con số”.
Ông Kerry so sánh tình hình hiện nay với thời điểm ký Hiệp ước Munich 1938, khi mà Anh, Pháp dù mạnh hơn nhưng vẫn nhượng bộ cắt nhiều phần đất của Tiệp Khắc cho Đức, Ba Lan và Hungary để tránh chiến tranh, nhưng cuối cùng vẫn không chặn được tham vọng của Đức. “Đây là khoảnh khắc Munich của chúng ta. Chúng ta không thể đóng vai những khán giả câm lặng chứng kiến cảnh tàn sát” - ông Kerry ví von.
Ngoại trưởng Mỹ Kerry (phải) và người đồng cấp Pháp Fabius ở Paris ngày 7-9. Ảnh: Sky News
Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cũng tuyên bố có “sự ủng hộ rộng khắp và ngày càng tăng” về hành động quân sự nhằm vào Syria. Ông nói: “Hiện giờ, 7 nước trong khối G8 chia sẻ quan điểm với chúng tôi. Tương tự là 12 nước thuộc G-20”.
Trong bài phát biểu hàng tuần hôm 7-9, Tổng thống Mỹ Barack Obama một lần nữa kêu gọi quốc hội và người dân ủng hộ trừng phạt chính quyền Syria vì đã tấn công dân thường bằng vũ khí hóa học. Cảnh báo mối nguy hiểm của việc “nhắm mắt làm ngơ”, ông Obama nhấn mạnh: “Tôi kêu gọi các thành viên quốc hội từ cả 2 đảng đoàn kết với nhau để xây dựng một thế giới phù hợp với ước vọng sống của chúng ta”.
Tổng thống Mỹ tái cam đoan sẽ không đổ bộ vào Syria: “Tôi biết rằng người Mỹ mệt mỏi sau một thập kỷ tiến hành các cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan. Đó là lý do tại sao sẽ không có cuộc đổ bộ nào của lính Mỹ và thời gian, phạm vi tấn công quân sự bị hạn chế. Kế hoạch tấn công được thiết kế với mục tiêu ngăn chính phủ al-Assad sử dụng vũ khí hóa học một lần nữa”.
Tuần hành chống tấn công Syria tại San Francisco, bang California - Mỹ. Ảnh: Reuters
Ông Obama vừa trở về từ hội nghị G-20 tại Nga, nơi mà vấn đề về Syria vẫn ở thế giằng co, thể hiện sự chia rẽ hiện nay của cộng đồng quốc tế. Tổng thống Mỹ dự kiến công bố phản ứng chính thức của Mỹ ngày 10-9 sau khi quốc hội nhóm họp ngày 9-9.
Theo Ngoại trưởng Kerry, ông Obama chưa quyết định có chờ kết quả điều tra của Liên Hiệp Quốc hay không. Cũng trong ngày 7-9, ông Kerry đã họp bàn với 28 ngoại trưởng các nước thành viên EU.
Hãng Reuters dẫn lời đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU, bà Catherine Ashton, cho biết 28 nước trong khối nhất trí rằng chính phủ Syria đứng sau vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ở Damascus ngày 21-8 và kêu gọi “một sự phản ứng rõ ràng và mạnh mẽ”.
Tuy nhiên, EU không nêu rõ có hành động quân sự hay không, đồng thời yêu cầu Liên Hiệp Quốc giữ vai trò chính. Đây là quyết định mang tính thỏa hiệp để chiều lòng cả 2 “phái” ủng hộ tấn công và chỉ tấn công khi Liên Hiệp Quốc cho phép.
Cậu bé Issa 10 tuổi trong xưởng vũ khí của quân nổi dậy Syria ở Aleppo vào tháng 9-2013. Ảnh: Reuters
Bình luận (0)