xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

G20 tránh “thảo luận trống rỗng”

LỤC SAN

Vấn đề Trung Quốc tiếp tục sản xuất thép giá rẻ được bàn đến nhiều trong ngày đầu tiên của Hội nghị Thượng đỉnh G20

Hội nghị Thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã khai mạc ngày 4-9 ở TP Hàng Châu - Trung Quốc với chủ đề “Hướng tới một nền kinh tế thế giới đổi mới, năng động, liên kết và tổng thể”.

Đưa G20 thành đầu tàu

Trong diễn văn khai mạc hội nghị, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh đến sự cần thiết bảo đảm tăng trưởng kinh tế đối với G20. Ông nhận định kinh tế thế giới đang hồi phục nhưng đối mặt nhiều thách thức về tài chính, thương mại và đầu tư.

Ngoài ra, ông Tập hy vọng hội nghị có thể đưa G20 trở thành đầu tàu, phá vỡ những khó khăn và thách thức mà kinh tế thế giới đang phải đối mặt để chuyển hướng sang tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững và đồng đều.


Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) phát biểu khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh G20 hôm 4-9 Ảnh: REUTERS

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) phát biểu khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh G20 hôm 4-9 Ảnh: REUTERS

Chủ tịch Trung Quốc cũng thúc giục các nhà lãnh đạo G20 đưa ra những biện pháp cứu chữa để thúc đẩy kinh tế thế giới tiến lên trên con đường tăng trưởng mạnh, bền vững, cân đối và toàn diện. Ông Tập cho rằng nhóm G20 cần phải nắm giữ vai trò lãnh đạo trong những vấn đề lớn, đồng thời tìm ra phương hướng và cách giải quyết cho kinh tế thế giới với một tầm nhìn chiến lược.

Nhân dịp này, ông Tập đã đưa ra 5 đề xuất để hỗ trợ sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Đáng chú ý, G20 cần tăng cường điều phối trong những chính sách kinh tế vĩ mô, cùng thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm sự ổn định tài chính. Ngoài ra, G20 cần xây dựng một nền kinh tế thế giới mở trong lúc tiếp tục đẩy mạnh tự do hóa và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại - đầu tư.

Cơ hội tạo đà phục hồi kinh tế

Hội nghị G20 lần này thu hút sự chú ý đặc biệt của cộng đồng quốc tế bởi đây được xem là cơ hội tạo đà phục hồi cho nền kinh tế toàn cầu đang chật vật sau khủng hoảng tài chính, đồng thời tái định hình nền kinh tế thế giới. “Cộng đồng quốc tế kỳ vọng cao độ vào nhóm G20 tại hội nghị ở Hàng Châu trong bối cảnh kinh tế thế giới đối mặt nhiều nguy cơ và thách thức” - ông Tập nhấn mạnh.

Ngay trước thềm hội nghị, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo họ có thể sẽ lại giảm dự báo về tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay. Trước đó, sau khi cử tri Anh bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu (gọi tắt là Brexit), IMF đã giảm dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới trong 2 năm 2016, 2017 xuống còn 3,1% và 3,4%. Tổ chức Thương mại thế giới cũng dự báo thương mại toàn cầu chỉ tăng trưởng 2,8% năm nay - năm thứ 5 liên tiếp tỉ lệ này ở dưới mức 3%.

Để Hội nghị G20 năm nay đạt kết quả thực chất, Chủ tịch Trung Quốc thúc giục các nhà lãnh đạo tránh những “cuộc thảo luận trống rỗng” trong quá trình tìm giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Các vấn đề lớn được tập trung thảo luận ở hội nghị này gồm: phát triển phương thức tăng trưởng sáng tạo, quản trị tài chính kinh tế toàn cầu, thương mại và đầu tư quốc tế mạnh mẽ, năng động và kết nối có hiệu quả cao hơn. Ngoài ra, G20 còn bàn luận về vấn đề thuế của các công ty đa quốc gia và Brexit.

Có mặt tại hội nghị, theo đài BBC, Thủ tướng Anh Theresa May đã đối mặt nhiều sức ép liên quan đến quan hệ thương mại giữa Anh và các nước sau khi London rời EU. Chẳng hạn, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố nước này sẽ dành nhiều ưu tiên hơn cho đàm phán thương mại với các nước EU và Thái Bình Dương, thay vì Anh.

Trong khi đó, Nhật Bản cảnh báo về những “thay đổi mạnh mẽ” thời hậu Brexit và kêu gọi giảm thiểu tác động có hại từ bước đi này. Để trấn an các thành viên G20 khác, bà May nhấn mạnh Anh vẫn có thể thịnh vượng bên ngoài EU và trở thành “quốc gia đi đầu toàn cầu về tự do thương mại”.

Vấn đề Trung Quốc tiếp tục sản xuất thép giá rẻ đã được bàn đến nhiều trong ngày đầu tiên của hội nghị. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker đề nghị Bắc Kinh phải giải quyết vấn đề thừa công suất trong các ngành công nghiệp của mình. Theo ông Juncker, việc ngành công nghiệp thép châu Âu mất nhiều việc làm do thép giá rẻ Trung Quốc trong những năm gần đây là điều “không thể chấp nhận được”.

Nóng các cuộc gặp bên lề

Ngay cả khi nước chủ nhà muốn G20 chỉ tập trung bàn các vấn đề kinh tế, nhiều cuộc gặp bên lề sự kiện này vẫn bị bao phủ bởi một loạt vấn đề nóng khác của thế giới.

Đáng chú ý, tình hình biển Đông tiếp tục đứng đầu chương trình nghị sự tại cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình tối 3-9 (giờ địa phương). Trong tuyên bố được đưa ra sau cuộc gặp, Nhà Trắng cho biết ông Obama đã thúc giục Trung Quốc tuân thủ các nghĩa vụ pháp lý theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) mà nước này đã tham gia. Mỹ xem đây là điều quan trọng để duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật pháp. Bên cạnh vấn đề an ninh hàng hải, ông Obama còn thúc giục Bắc Kinh xây dựng môi trường thương mại và đầu tư thông thoáng.

Đáp lại, ông Tập Cận Bình cho biết sẽ theo đuổi giải pháp hòa bình với các bên liên quan trực tiếp đến tranh chấp biển Đông. Ông còn kêu gọi Mỹ đóng vai trò xây dựng, phản đối việc Mỹ triển khai lá chắn tên lửa ở Hàn Quốc nhằm chống lại mối đe dọa từ Triều Tiên.

Cũng thu hút dư luận không kém là cuộc gặp giữa ông Obama và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan diễn ra ngày 4-9. Theo tờ The Washington Post, ông chủ Nhà Trắng đã bảo đảm với Ankara những ai đứng sau vụ đảo chính bất thành mới đây sẽ bị đưa ra xét xử. Ông Obama cũng thúc giục đồng minh NATO này tăng cường bảo đảm an ninh tại biên giới với Syria để đối phó tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hiệu quả hơn. Ông Erdogan cho rằng 2 nước cần có thái độ chung đối với chủ nghĩa khủng bố. Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ đang hục hặc vì vai trò của lực lượng người Kurd trong cuộc chiến chống IS tại Syria.

Ngoài ông Obama, ông Erdogan còn gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin trong nỗ lực đẩy nhanh tiến trình hòa giải và khôi phục quan hệ sau vụ chiến đấu cơ Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay ném bom Nga vào năm ngoái. Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cho biết ông và Tổng thống Putin nhất trí có những bước đi để đưa quan hệ tiến lên phía trước, trong đó có dự án TurkStream vận chuyển khí đốt từ Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ và Nam Âu.

Hoàng Phương

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo