Bốn vụ tấn công vào tuần rồi ở Đức không chỉ gây nhiều thương vong mà còn gia tăng sức ép lên chính phủ của Thủ tướng Angela Merkel trong việc đối phó mối đe dọa bạo lực và khủng bố.
Nước Đức cho đến giờ vẫn chưa bị tấn công quy mô lớn như ở Pháp và Bỉ gần đây. Tuy nhiên, những vụ bạo lực nhỏ lẻ nêu trên châm ngòi trở lại làn sóng chỉ trích chính sách mở cửa đón người tị nạn của bà Merkel, giữa lúc châu Âu “bầm dập” vì quá nhiều khủng hoảng. Danh sách này vừa được bổ sung bởi cuộc đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ đêm 15-7, nổ ra khi thủ tướng Đức đang ở Ulan Bator - Mông Cổ để dự Hội nghị Thượng đỉnh Á - Âu.
Trong gần 11 năm nắm quyền, bà Merkel phải đương đầu một loạt thách thức xảy ra với nhịp độ ngày càng nhanh: khủng hoảng tài chính toàn cầu, chiến sự ở miền Đông Ukraine, căng thẳng trong quan hệ Liên minh châu Âu (EU) - Nga, sự suy sụp về kinh tế của khu vực đồng euro, làn sóng di dân cao kỷ lục, Anh rời khỏi EU (gọi tắt là Brexit)…
Dù vậy, không thể phủ nhận rằng sức mạnh, ảnh hưởng của Đức trên trường quốc tế trong giai đoạn này không ngừng gia tăng nhờ tài lèo lái của bà Merkel. Điều này thể hiện qua việc tân Thủ tướng Anh Theresa May chọn Đức làm điểm công du đầu tiên sau khi nhậm chức để nhờ Berlin giúp xoa dịu những căng thẳng do Brexit gây ra.
Vẫn còn quá sớm để đánh giá tác động của những vụ tấn công gần đây lên chính trường nước Đức. Thế nhưng, điều thấy rõ là tỉ lệ ủng hộ bà Merkel đã tăng trở lại trong khi số lượng người tị nạn đến nước này sụt giảm còn châu Âu rung chuyển bởi “bom tấn” Brexit.
Theo cuộc thăm dò mới nhất được Viện Allensbach (Đức) công bố hôm 21-7, tỉ lệ ủng hộ Đảng Liên minh Dân chủ Thiên Chúa giáo (CDU) của bà Merkel là 35,5%, nhiều hơn 13% so với Đảng Dân chủ Xã hội (SPD). Uy tín của nhà lãnh đạo Merkel cũng tăng theo. Cuộc thăm dò của đài ARD cho thấy 59% cử tri ủng hộ bà trong tháng 7, tăng 9% so với tháng trước đó. “Nhiều người Đức cảm thấy yên tâm khi có một nhà lãnh đạo điềm tĩnh, không phản ứng hấp tấp” - ông Thorsten Benner - Giám đốc Viện Chính sách công toàn cầu, trụ sở ở Berlin - giải thích với trang tin The Christian Science Monitor.
Đã xuất hiện nhận định rằng bà Merkel buộc phải đi tiếp nhiệm kỳ thứ 4 liên tiếp vào năm tới vì cảm thấy không thể rũ bỏ gánh nặng trách nhiệm nêu trên, ngay cả khi muốn thế. “Tôi có cảm giác bà sẽ lại tranh cử, một phần vì số lượng thách thức đang tăng và không dễ xử lý” - bà Karen Donfried, cựu cố vấn về châu Âu của Tổng thống Mỹ Barack Obama, nhận định với trang tin Bloomberg.
Một lý do khác khiến nữ thủ tướng 62 tuổi chưa thể “nghỉ hưu” là sự vắng bóng người kế nhiệm xứng đáng. Hai ứng viên tiềm năng - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ursula von der Leyen và Bộ trưởng Bộ Nội vụ Thomas de Maiziere - hoặc không nhận được nhiều ủng hộ trong nội bộ đảng hoặc không còn nhiều sức hút trên chính trường.
Bà Merkel cho đến giờ vẫn chưa hé lộ về tương lai chính trị của mình. Tuy nhiên, nhà phân tích Peter Matuschek của Công ty Thăm dò dư luận Forsa (Đức) cho rằng đương kim thủ tướng Đức xem ra không có nhiều lựa chọn. “Bà Merkel đang đối mặt sức ép không nhỏ về việc tái tranh cử, nếu xét đến tình hình chính trị toàn cầu hiện nay. Nhưng trên hết, chính Đảng CDU của bà sẽ đưa ra yêu cầu này” - ông Matuschek nhận định.
Các cuộc thăm dò cho thấy hơn 80% thành viên CDU muốn bà Merkel ra tranh cử trong cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra vào mùa thu năm 2017.
Bình luận (0)