Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 28-7 khẳng định không thay đổi chính sách mở cửa dành cho người tị nạn trong cuộc họp báo diễn ra sau một loạt vụ tấn công bạo lực gần đây.
Nguy cơ căng thẳng tôn giáo
Buộc phải cắt ngắn kỳ nghỉ để trở về bảo vệ chính sách tị nạn của mình, bà Merkel cam kết sẽ đưa những kẻ thủ ác ra trước công lý. Bà cũng khẳng định sẽ ban hành những biện pháp mới để bảo vệ an ninh đất nước. Mặt khác, bà Merkel trấn an người tị nạn rằng sẽ “không thay đổi những nguyên tắc của mình”, đồng thời tiếp tục cung cấp nơi trú ngụ cho những người tị nạn xứng đáng được hưởng điều này.
Cuộc họp báo diễn ra giữa lúc chính phủ bà Merkel, cũng như chính quyền Tổng thống Pháp Francois Hollande, đối mặt sức ép từ các đảng cực hữu và một số thành viên bảo thủ về việc phải mạnh tay hơn trong cuộc chiến chống khủng bố. Không dừng lại ở việc lợi dụng các vụ tấn công gần đây để củng cố vị thế trong các cuộc bầu cử địa phương, Đảng Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) theo đường lối chống nhập cư vừa đề xuất biện pháp cấm cửa di dân Hồi giáo. Còn tại Pháp, các nhà lập pháp cánh hữu bác lời kêu gọi đoàn kết quốc gia mà Tổng thống Hollande đưa ra.
Cả hai nhà lãnh đạo Đức và Pháp cho đến giờ có hướng tiếp cận thận trọng trước các mối đe dọa khủng bố, chỉ mới dừng lại ở việc triển khai nhiều hơn cảnh sát ngoài đường phố và cam kết tăng cường hợp tác với các nước châu Âu và Trung Đông về mặt tình báo. Theo tờ The Wall Street Journal (Mỹ), phản ứng nêu trên đã giúp đập tan một số âm mưu trong lúc tránh làm gia tăng căng thẳng về tôn giáo tại 2 quốc gia có cộng đồng người Hồi giáo lớn nhất châu Âu này.
London, Washington bị đe dọa
Dù vậy, sau một loạt vụ tấn công gần đây, nhiều người muốn có những biện pháp mạnh tay hơn, như hạn chế nhập cư và những quyền tự do dân sự nhất định. Vài giờ sau vụ một linh mục bị cắt cổ tại vùng Normandy - Pháp hôm 26-7, cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy kêu gọi sử dụng vòng điện tử giám sát những đối tượng bị xem là có nguy cơ cực đoan hóa, thậm chí giam giữ họ.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nội vụ Bernard Cazeneuve gọi những đề xuất cứng rắn nêu trên là “sự từ bỏ nền cộng hòa và các nguyên tắc của nó”. Trước đó, Giám đốc Cơ quan Tình báo nội địa Pháp Patrick Calvar cảnh báo về cuộc đối đầu giữa phe cực hữu với thế giới Hồi giáo nếu mọi chuyện vượt tầm kiểm soát. Tổng thống Hollande cũng gạt bỏ chỉ trích khi thông báo triển khai 23.500 cảnh sát và binh sĩ để tăng cường an ninh cho 56 sự kiện khắp nước vào mùa hè này. Ông còn kêu gọi một cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo tôn giáo tại Điện Élysée.
Liên quan vụ tấn công linh mục nêu trên, tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hôm 27-7 công bố đoạn video về 2 người đàn ông được cho là hung thủ. Reuters cũng đưa tin các nhà điều tra Pháp đã xác định được danh tính nghi phạm thứ hai. Tên này là Abdel-Malik Nabil Petitjean, 19 tuổi, từng bị lực lượng an ninh nghi ngờ có mối liên hệ với IS. Vụ tấn công mới nhất này xảy ra trong bối cảnh Pháp vẫn đang cảnh giác cao độ kể từ khi một người Pháp gốc Tunisia lái xe tải đâm vào đám đông ở TP Nice khiến 84 người chết và hơn 300 người bị thương đêm 14-7.
Sau một loạt vụ tấn công ở Pháp và Đức, IS đã tung những hình ảnh đe dọa tấn công các thủ đô lớn trên thế giới, trong đó có London - Anh và Washington - Mỹ. Chưa rõ những hình ảnh đe dọa này có đáng tin hay không nhưng nước Anh đã thắt chặt an ninh ở các nhà thờ kể từ sau vụ tấn công ở Pháp.
Lợi ích lâu dài
Chính sách mở cửa của Thủ tướng Angela Merkel với người nhập cư trốn chạy chiến tranh ở Trung Đông về lâu dài sẽ giúp nước Đức an toàn hơn trước các cuộc tấn công khủng bố. Bằng cách thể hiện lòng trắc ẩn với hàng trăm ngàn người tị nạn Hồi giáo, “bà đầm thép” của nước Đức đang chuyển tải thông điệp tới thế giới rằng Berlin không đối đầu với Hồi giáo. Quan trọng hơn, theo trang Independent, điều này có nghĩa cộng đồng người Hồi giáo lớn ở Đức càng có lý do để mở lòng hợp tác với các cơ quan an ninh trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố.
Viễn cảnh trên là điều xa vời đối với các cộng đồng Hồi giáo chịu nhiều ấm ức và bị cực đoan hóa ở những vùng ngoại ô tăm tối tại thủ đô Brussels - Bỉ hoặc Paris - Pháp, được mệnh danh là những “lò ấp” của khủng bố đứng sau một loạt bi kịch chết chóc thời gian qua. Không ít người Hồi giáo ở đó cảm thấy mình không có chỗ trong xã hội. Nhiều tín đồ Hồi giáo trẻ tuổi lớn lên tại đây đã chạy sang Syria và Iraq để gia nhập IS. Những người chọn ở lại phải đối mặt tình trạng ngày càng có nhiều cảnh sát được phái tới cộng đồng của họ, phá cửa nhà và bắt bớ ráo riết.
Tổng thống Pháp Francois Hollande nhiều lần nhấn mạnh ông đang phát động cuộc chiến chống IS. Nhưng với nhiều người Hồi giáo cảm thấy họ đang bị tội phạm hóa vì tôn giáo của mình, nhà lãnh đạo Pháp có thể cũng tuyên chiến với họ.
Sự thật là chính sách đối ngoại đóng vai trò sống còn trong câu chuyện cực đoan hóa và khuyến khích khủng bố. Đây là bài học mà nước Pháp hẳn đã thấm nhuần từ cuộc chiến tranh Iraq. Paris kịch liệt chống lại cuộc chiến này và trong suốt thời gian chiến sự, Pháp không một lần phải chịu tang vì khủng bố.
Trong khi đó, nước Anh xông pha chống chế độ ông Saddam Hussein và thủ đô London hứng chịu vụ đánh bom kinh hoàng ngày 7-7-2005. Tây Ban Nha cũng hết mình ủng hộ cuộc chiến và phải trả giá bằng những vụ đánh bom tàu lửa chấn động tại Madrid năm 2004.
Giờ đây, Pháp và Bỉ đang trở thành mục tiêu của những kẻ khủng bố tới từ Syria và Iraq cũng như những “con sói đơn độc” - bị cực đoan hóa qua internet - ngay tại quê nhà. Những người chỉ trích lập luận rằng chính sách chào đón người nhập cư của nữ Thủ tướng Merkel sẽ đe dọa cuộc sống người Đức. Tuy nhiên, dòng người tị nạn từ những khu vực chiến tranh kéo đến châu Âu gần đây không làm gia tăng nguy cơ khủng bố. Bằng chứng là cả 3 nghi phạm gây ra những vụ tấn công gần nhất ở Đức trong tuần qua đều tới nước này rất lâu trước khi bà Merkel công bố chính sách nhập cư mới vào năm ngoái.
Thu Hằng
Bình luận (0)