Nhờ Ả Rập Saudi và Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) mà người dân Qatar đang đoàn kết ủng hộ hoàng gia của họ, Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) bị suy yếu. Không chỉ vậy, hành động của họ khiến Iran bớt bị cô lập, kéo Thổ Nhĩ Kỳ vào thẳng chuyện nội bộ vùng Vịnh và thách thức Washington. Thật là thành quả đáng nể!
Có thể rút ra nhiều bài học quan trọng từ cuộc khủng hoảng này. Thứ nhất, Tổng thống Donald Trump có thể rất ồn ào nhưng ông có rất ít tác động đến chính sách đối ngoại của Mỹ. Thứ hai, Ả Rập Saudi giống con hổ giấy hơn là lãnh đạo của khu vực.
Nước này chi mạnh tay mua vũ khí, trợ cấp cho nhiều quốc gia Hồi giáo, tìm cách lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad và can thiệp vũ trang vào Yemen nhưng lại không hề chuẩn bị giải pháp đối phó khi Qatar bác bỏ các đòi hỏi của Riyadh. Khi tối hậu thư của Ả Rập Saudi - UAE hết hạn nhiều tuần trước, một số nhà quan sát sợ rằng Qatar sẽ bị trừng phạt thêm, bị trục xuất khỏi GCC hay thậm chí là bị các nước láng giềng xâm chiếm.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã ngăn chặn thành công bất kỳ sự leo thang căng thẳng nào. Và mới đây, cùng với các đồng minh Bahrain và Ai Cập, Ả Rập Saudi và UAE nói họ sẵn lòng đàm phán với Qatar về những yêu cầu từng được nhấn mạnh là "không thể đàm phán" trước đây.
Tiểu vương Qatar Sheikh Tamim Bin Hamad Al-Thani (trái) đón Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tại Doha hôm 24-7 Ảnh: REUTERS
Thứ ba, Iran tiếp tục hưởng lợi từ hành động của các đối thủ. Doha và Tehran được kết nối bởi một mỏ khí tự nhiên chung. Mối quan hệ giữa hai nước là một trong những bận tâm lớn nhất của Ả Rập Saudi. Riyadh đã can thiệp quân sự vào Bahrain để bảo đảm quyền lực của Hoàng gia Sunni trước đa số dân chúng Shiite và hậu thuẫn phe nổi dậy Syria lật đổ ông Assad.
Tân Thái tử Mohammed bin Salman lĩnh xướng cuộc chiến ở Yemen và cả cuộc tấn công ngoại giao/kinh tế nhằm vào Qatar để đoạt quyền bá chủ vùng Vịnh. Kết quả là không cần tốn một viên đạn, Iran phá tan kế hoạch cuối kể trên của Ả Rập Saudi, giành được lòng cảm kích của người Qatar và tạo được ấn tượng Iran là nước biết lý lẽ.
Riyadh và Abu Dhabi gieo gió và giờ đây, cả vùng Vịnh gặt bão. Đòn tấn công Qatar của họ khiến Trung Đông càng thêm bất ổn và làm nhiều đồng minh thân cận của Washington đảo lộn. Ả Rập Saudi và UAE lâm vào ngõ cụt, khiến họ còn bị cô lập hơn cả Qatar. UAE còn đỡ chứ Ả Rập Saudi sẽ bị sỉ nhục khủng khiếp nếu từ bỏ các đòi hỏi với Qatar.
Chính phủ các nước khác dự đoán giằng co còn kéo dài. Điều này chẳng có lợi cho nước nào - có lẽ ngoại trừ Iran.
Bình luận (0)