Cảnh tượng lần tìm những mảnh thi thể của các em học sinh thiệt mạng sau khi Israel nã pháo trúng trường học ở Dải Gaza hôm 30-7 nổi lên như một biểu tượng đầy ám ảnh trong ngày thứ 23 của chiến dịch quân sự do Israel tiến hành.
Báo Independent (Anh) dẫn lời giới chức Liên Hiệp Quốc (LHQ) cho biết ít nhất 19 học sinh thiệt mạng và 90 người bị thương trong cuộc tấn công.
Điều trớ trêu là ngôi trường ở trại tị nạn Jabalia nói trên vốn được dùng làm nơi trú ẩn tại Dải Gaza và hàng trăm ngàn người đã đổ về đây lánh nạn sau khi Israel kêu gọi dân thường Palestine sơ tán vì chiến dịch quân sự còn “kéo dài”.
Cậu bé người Palestine trào nước mắt khi nhìn thấy thi thể người thân thiệt mạng
trong vụ tấn công của Israel vào trường học của Liên Hiệp Quốc. Ảnh: EPA
Nước mắt và sự tuyệt vọng bám riết khuôn mặt của những người sống sót sau trận “mưa pháo” kinh hoàng. Nữ sinh Aishe Abu Darabeh tuyệt vọng: “Biết đi đâu bây giờ? Chúng cháu đã sơ tán tới đây và họ (Israel) vẫn đuổi theo!”.
Phát ngôn viên LHQ Abu Hasna bất lực: “200.000 người Palestine tìm đến những ngôi trường của chúng tôi với hy vọng lá cờ LHQ sẽ bảo vệ họ. Tuy nhiên, thảm kịch này đã chứng minh chẳng có nơi nào an toàn ở Gaza”.
Vụ nã pháo nâng tổng số người thiệt mạng trong ngày 30-7 lên ít nhất 43 người, trong đó có 7 thành viên cùng gia đình ở TP Khan Yunis, phía Nam Dải Gaza.
Cựu chuyên gia tình báo Không lực Mỹ Rick Francona, hiện là chuyên gia phân tích quân sự của Đài CNN, nhận định xung đột giữa Israel và Phong trào Hồi giáo Hamas của Palestine lần này có sự khác biệt bởi cả hai dường như không sẵn sàng từ bỏ đối đầu vũ trang bất chấp áp lực của cộng đồng quốc tế.
Cô bé Farah Baker, 16 tuổi, sống cùng gia đình tại Dải Gaza, đang thu hút sự quan tâm đặc biệt sau khi miệt mài tường thuật các đợt tấn công của Israel trên Twitter hơn 3 tuần qua bất kể ngày đêm. “Tôi khóc suốt đêm. Có lẽ đêm nay tôi sẽ chết” - một thông điệp đầy day dứt của Farah được hơn 10.000 lượt chia sẻ trong khi một tin nhắn khác khiến nhiều người suy nghĩ: “Tôi mới 16 tuổi nhưng phải chứng chiến 3 cuộc chiến và cuộc chiến lần này là nặng nề nhất”.
Ông Rifat Kassis, giám đốc cơ quan bảo trợ trẻ em quốc tế, cảnh báo: “Trong 6 năm qua đã xảy ra 3 cuộc chiến tranh ở Dải Gaza và tại đây đang hình thành một thế hệ trẻ chỉ biết tới chiến tranh và bạo lực”.
Với vai trò trung gian hòa giải, Ai Cập đã tuyên bố sẽ chỉnh sửa thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas nhằm chấm dứt xung đột sau khi đề xuất ban đầu đi vào bế tắc.
Trong khi đó, thủ lĩnh số 2 của Hamas, ông Moussa Abu Marzouk, ngày 30-7 chính thức mở lời muốn bắt tay với Phong trào Hồi giáo Hezbollah ở Lebanon để chống lại Israel.
Bình luận (0)