Bất ổn gia tăng ở Yemen những ngày gần đây làm dấy lên lo ngại về an ninh đối với hoạt động vận chuyển dầu từ khu vực Trung Đông.
Sáng 26-3, giá dầu tăng lên khi giới đầu tư cho rằng cuộc không kích do Ả Rập Saudi dẫn đầu nhằm vào Yemen là dấu hiệu mới nhất cho thấy tình hình đang vượt khỏi tầm kiểm soát tại khu vực giàu dầu lửa này. Trong phiên giao dịch sáng 26-3, giá dầu thô Brent có thời điểm lên mức 59,78 USD/thùng, tăng khoảng 6% so với đóng cửa phiên liền trước.
Các nhà nhập khẩu dầu cho rằng chưa lo ngại về nguy cơ gián đoạn nguồn cung.
Ảnh: REUTERS
Tuy nhiên, các nhà nhập khẩu dầu nói chưa phải lo ngại về nguy cơ gián đoạn nguồn cung. Nhà môi giới năng lượng Masaki Suematsu thuộc công ty Newedge Japan ở Tokyo cho biết: “Ả Rập Saudi và các nước tiến hành không kích không có nghĩa là nguồn cung sẽ đột ngột bị thắt chặt”. Nhưng ông Suematsu lưu ý cuộc xung đột có thể vượt ra khỏi các cuộc không kích đang được tiến hành.
Ngày 26-3, Ả Rập Saudi và các đồng minh vùng Vịnh phát động các cuộc không kích vào Yemen để đối phó với phiến quân Houthi được Iran hậu thuẫn. Đến nay, 25 người thiệt mạng và 40 người bị thương trong các cuộc không kích ở thủ đô Sanaa của Yemen.
Không chịu thua, phiến quân Houthi phóng rốc-két qua biên giới về phía Ả Rập Saudi để đáp trả. Mohammed al-Bukhaiti, một thủ lĩnh cấp cao của Houthi, cảnh báo trên đài truyền hình Al Jazeera (trụ sở Qatar) rằng những cuộc không kích của Ả Rập Saudi là hành động xâm lược Yemen và sẽ kích ngòi chiến tranh trên diện rộng trong khu vực.
Trong khi đó, lực lượng trung thành với Tổng thống Yemen Abd-Rabbu Mansour Hadi đã tái chiếm sây bay quốc tế ở TP miền Nam Aden vào rạng sáng 26-3. Aden được cho là nơi ông Hadi đang lánh nạn.
Lực lượng Houthi và các đơn vị vũ trang đồng minh đã chiếm căn cứ al-Anad,
cách TP Aden 60 km. Ảnh: REUTERS
Cuộc khủng hoảng hiện nay có nguy cơ leo thang thành một cuộc chiến tranh ủy nhiệm giữa Iran (ủng hộ lực lượng Houthi) và Ả Rập Saudi cùng các chế độ quân chủ khác trong khu vực người Hồi giáo Sunni (ủng hộ Tổng thống Hadi).
Có thể nói xung đột tại Yemen có tác động rất lớn đến chính sách khu vực của Ả Rập Saudi, trở thành trận đấu giữa nước này với Iran. Hơn nữa, Ả Rập Saudi xem việc Houthi thắng thế tại Yemen như minh chứng cho thấy tầm ảnh hưởng của quốc gia Hồi giáo dòng Shiite Iran tại sân sau của mình.
Bộ Ngoại giao Iran ngày 26-3 đã lên tiếng yêu cầu chấm dứt “hành động xâm lược Yemen được Mỹ hậu thuẫn”, đồng thời cảnh báo việc làm này chỉ khiến cuộc khủng hoảng thêm phức tạp và cản trở nỗ lực tìm giải pháp hòa bình. Truyền thông nhà nước Syria cũng gọi chiến dịch quân sự trên là một “hành động xâm lược Yemen trắng trợn”.
Bình luận (0)