Theo đài CNBC hôm 25-10, vũ khí chống vệ tinh của Nga – tích hợp với thiết bị phóng không gian, có thể nhắm mục tiêu vào các vệ tinh ở quỹ đạo thấp của trái đất (Trạm Vũ trụ Quốc tế và Kính Viễn vọng Không gian Hubble cũng di chuyển trong quỹ đạo này).
Nó sẽ được bổ sung vào kho vũ khí của Moscow vào năm 2022.
Hồi giữa tháng trước, người ta chụp được hình ảnh một tên lửa chưa từng xuất hiện do tiêm kích đánh chặn siêu âm MiG-31 của Nga chuyên chở.
Đài CNBC nói rằng đây là tên lửa mô hình để thử nghiệm khả năng kết hợp hiệu quả giữa các thành phần tên lửa và máy bay trên không. Một nguồn tin cho đài CNBC biết cuộc thử nghiệm kế tiếp sẽ diễn ra vào năm tới.
Một tên lửa bí ẩn do tiêm kích MiG-31 của Nga chuyên chở được xác định là vũ khí chống vệ tinh. Ảnh: CNBC
Tên lửa dự kiến được phóng từ bụng máy bay. Giám đốc Dự án Lực lượng hạt nhân Nga, ông Pavel Podvig, cho rằng đây có thể là một hệ thống chống vệ tinh do Nga phát triển. Trước đây, Moscow cũng từng nghiên cứu các hệ thống tương tự, giống như Mỹ và Trung Quốc.
Ông Thomas Karako, Giám đốc Dự án Phòng thủ tên lửa tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Mỹ), bình luận: "Khái niệm vũ khí chống vệ tinh được khai hỏa trên không trung đã tồn tại từ rất lâu. Trung Quốc, Nga và Mỹ đều phát triển loại vũ khí này".
Tên lửa chống vệ tinh không phải điều gì mới mẻ. Tuy nhiên, thông tin Moscow âm thầm thử nghiệm loại tên lửa này xuất hiện chưa đầy 8 tháng sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đề cập tới kho vũ khí quân sự ngày càng tăng của nước ông.
"Tôi muốn nói với tất cả những người châm ngòi cho cuộc chạy đua vũ trang trong 15 năm qua, tìm cách giành lợi thế đối với Nga cũng như áp đặt các biện pháp trừng phạt bất hợp pháp để ngăn đất nước chúng tôi phát triển: Họ đã thất bại trong việc ngăn chặn Nga" – ông Putin phát biểu vào thời điểm đó.
Bình luận (0)