Các tay súng đã treo lá cờ Nga lên đỉnh tòa thị chính và tuyên bố “Crimea thuộc Nga”, trong khi những người theo chủ nghĩa ly khai ủng hộ Nga và những người ủng hộ chính quyền mới ở Ukraine xung đột với nhau trên đường phố.
Tại sao Crimea trở thành điểm nóng?
Crimea được xem là vùng đất dành nhiều tình cảm cho nước Nga, có thể nhen nhóm mối đe dọa của chủ nghĩa ly khai. Crimea, một bán đảo nằm trên bờ biển phía Bắc của biển Đen, có khoảng 2,3 triệu người và hầu hết họ tự nhận mình là dân tộc Nga và nói tiếng Nga.
Đây là khu vực bỏ phiếu rất nhiều cho Tổng thống Viktor Yanukovych trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2010. Không ít người tin rằng ông này là nạn nhân của một cuộc đảo chính, vốn dẫn đến nỗ lực của người theo chủ nghĩa ly khai trong quốc hội Crimea để hối thúc một cuộc bỏ phiếu tách khu vực này ra khỏi Ukraine.
Liệu Crimea có thực sự thuộc Ukraine?
Crimea từng là một phần của Nga trong gần 200 năm, kể từ khi Nga sáp nhập khu vực này vào năm 1783. Tuy nhiên, Crimea được chuyển giao cho Ukraine năm 1954 dưới thời Liên Xô. Một số người dân tộc Nga xem đó là một sai lầm lịch sử.
Tuy nhiên, một số người Hồi giáo Tatar ở Crimea, vốn ủng hộ chính phủ lâm thời và phản đối Nga, nói rằng họ từng chiếm đa số ở Ukraine. Cộng đồng Hồi giáo Tatars đã bị lãnh đạo Liên Xô trục xuất hàng loại vào năm 1944 với lý do họ đã hợp tác với Đức quốc xã trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Họ quay trở lại Crimea khi Liên Xô tan rã năm 1991, dẫn đến nhiều căng thẳng với người Nga về quyền đất đai.
Theo cuộc điều tra năm 2001, người Ukraine chiếm khoảng 20% dân số ở Crimea, người Nga là 58% còn người Hồi giáo Tatar chiếm 12%.
Tình trạng pháp lý của Crimea như thế nào?
Crimea vẫn là một phần hợp pháp thuộc Ukraine, vốn được Nga ủng hộ từ khi Moscow cùng với Mỹ, Anh và Pháp cam kết duy trì sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine trong một bản ghi nhớ được ký vào năm 1994.
Crimea trở thành một nước cộng hòa tự trị thuộc Ukraine, được phép bầu quốc hội riêng. Vị trí Tổng thống của Crimea đã bị hủy bỏ vào năm 1995. Thay vào đó vùng này có một đại diện tổng thống và thủ tướng do Kiev chỉ định.
Nga có thể làm gì?
Hạm đội Biển Đen của Nga đã duy trì căn cứ quân sự chính tại cảng Sevastopol thuộc Crimea và nhiều cơ sở hải quân khác tại bán đảo này nhiều thập kỷ qua. Do đó, một số người Ukraine đang lo lắng quân đội Nga có thể nhúng tay vào tình thế hiện nay. Luật quốc phòng của Nga cho phép hành động quân sự ở nước ngoài để “bảo vệ công dân Nga”. Điều này làm dấy lên quan ngại Moscow dùng nó như một cái cớ để can thiệp vào Ukraine.
Theo hợp đồng cho thuê kéo dài đến năm 2042 ở Sevastopol, Nga không được phép đưa các thiết bị quân sự ra bên ngoài căn cứ chưa được Ukraine chấp thuận.
Bình luận (0)