Ông David Card, nhận 1/2 giải thưởng, chỉ ra rằng việc áp dụng những thử nghiệm ngẫu nhiên, nơi mà nhà khoa học nghiên cứu những tình huống có thể xảy ra trong đời sống thường ngày, để chứng minh luận điểm "tăng lương tối thiểu không làm giảm đi số lượng công việc trong khu vực". Nửa còn lại của giải thưởng được trao cho 2 giáo sư Joshua Angrist và Guido Imbens.
Ông Card (quốc tịch Canada - Mỹ, SN 1956) hiện là giáo sư tại Đại học Berkeley ở California. Ông Angrist (Israel - Mỹ, SN 1960) làm việc tại Viện Nghiên cứu kỹ thuật Massachusetts. Còn ông Imbens (Hà Lan - Mỹ, SN 1963) hiện giảng dạy, nghiên cứu tại Đại học Stanford.
Nổi tiếng trong giới nghiên cứu kinh tế - xã hội
David Card hoàn thành chương trình tiến sĩ tại Đại học Princeton vào năm 1983. Những chủ đề ông quan tâm theo đuổi trong nhiều thập kỷ qua mang tính thiết thân với nhu cầu xã hội như: cải cách an sinh xã hội, nhập cư, hiệu quả của chương trình chăm sóc y tế Medicaid, chế độ hưu trí, nguồn cung lao động, giáo dục, lương cơ bản, đình công và thương lượng tập thể, thất nghiệp, sự cứng nhắc của hệ thống lương.
Theo Hiệp hội Khoa học Hoàng gia Thụy Điển, nghiên cứu của Card từ những năm 1990 của thế kỷ trước đã thử thách những nhận định mang tính truyền thống lâu đời. Bằng cách so sánh những tác động xảy ra khi bang New Jersey tăng mức lương cơ bản đối với thị trường lao động, David đã có thể chứng minh được những lý thuyết mà các chủ doanh nghiệp bấy giờ tin vào là tăng lương cơ bản sẽ dẫn đến ít việc đã không còn chính xác.
Giáo sư David Card, người đồng thắng giải Nobel Kinh tế 2021, tại Trường Đại học Berkeley (California, Mỹ) giữa tháng 10-2021. Ảnh: REUTERS
Trong các thí nghiệm truyền thống, khoa học gia có thể quyết định ai có thể trở thành đối tượng nghiên cứu hoặc được tiếp nhận liệu pháp điều trị thì trong các thí nghiệm ngẫu nhiên, khoa học gia không quyết định ai sẽ nằm trong những nhóm đối tượng nghiên cứu này.
Điển hình là Card đã phân nhóm đối tượng nhân viên chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh là những người hiện tại (ngẫu nhiên) đang sinh sống tại bang Pennsylvania và New Jersey. Do đó, phương pháp thực nghiệm ngẫu nhiên mà David theo đuổi còn được gọi là phương pháp lấy mẫu thí nghiệm ngẫu nhiên.
Card tự nhận định rằng ông tập trung vào việc đưa những lý thuyết khoa học và phân tích thực tế vào kinh tế học. "Nhiều nhà kinh tế học kinh điển khá chú trọng hệ thống lý thuyết nhưng ngày nay kinh tế được nhìn nhận qua những khía cạnh cốt lõi, những lĩnh vực cụ thể như giáo dục và sức khỏe, hoặc là những chủ đề cụ thể như tác động của làn sóng nhập cư, chính sách tiền lương" - Card cho biết.
Báo Economist cũng nhận định giải thưởng năm nay đánh dấu cuộc cách mạng về niềm tin của lĩnh vực kinh tế học từ thập niên 90 của thế kỷ trước.
Những nỗ lực bền bỉ
Mặc cho đa số nhà nghiên cứu và nhà tài phiệt bấy giờ có lòng tin rằng việc tăng lương cơ bản sẽ làm cho lợi nhuận giảm nên số lượng công việc cũng sẽ giảm theo, ông David Card từ năm 1993 đã tin vào điều ngược lại và hết sức kiên trì với phương pháp nghiên cứu của mình.
Kết quả nghiên cứu cho thấy tăng lương cơ bản ở chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh tại bang New Jersey còn giúp nâng cao số lượng công việc thuộc nhóm lương cơ bản tại bang này.
Card từng thực hiện nhiều nghiên cứu về sự thích nghi của các nhóm nhập cư, các nghiên cứu chỉ ra làn sóng nhập cư rất ít hoặc gần như không có tác động đến sự ổn định của hệ thống lương của từng khu vực.
Cụ thể, ông nghiên cứu tác động kinh tế của Mariel Boatlift (làn sóng nhập cư từ Cuba vào khoảng 1980 đến Miami bằng thuyền) và so sánh tác động kinh tế của sự kiện này đến với Miami và các thành phố khác như Atlanta, Houston, Los Angeles và Tampa (những nơi nhận ít dân nhập cư đến từ Cuba hơn).
Ông đã nêu rõ trong nghiên cứu của mình rằng tuy số lượng lao động tay chân tăng đáng kể (7%) nhưng lương cho nhóm đối tượng này gần như không bị ảnh hưởng. Hơn nữa, tỉ lệ thất nghiệp và lương lao động nói chung tại Miami không bị ảnh hưởng bởi làn sóng nhập cư.
Nỗ lực nghiên cứu bền bỉ của David Card trong nhiều thập kỷ qua đã giúp củng cố hệ thống lý thuyết liên quan đến những vấn đề cơ bản, bức thiết nhưng còn nhiều tranh cãi như lương, làn sóng nhập cư.
Sự công nhận mang tầm quốc tế từ giải thưởng Nobel Kinh tế 2021 sẽ giúp kết quả nghiên cứu của ông đến với nhiều quốc gia hơn, góp phần vào quá trình nhìn nhận những vấn đề cốt lõi của xã hội và cải thiện chính sách phát triển bền vững toàn cầu.
Với những bước đi mạnh dạn trong việc áp dụng phương pháp thực nghiệm ngẫu nhiên, 3 nhà nghiên cứu tiêu biểu năm nay đã giúp thế giới có cái nhìn mới mẻ và thuyết phục về phương pháp phân tích dữ liệu dựa trên lấy mẫu ngẫu nhiên, giúp đưa ra những kết quả xác thực và gần gũi với đời sống thực tế.
Bình luận (0)