Di trú cung cấp nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế, giảm bất bình đẳng và kết nối các xã hội đa dạng. Dù vậy, nó cũng là nguồn gốc gây căng thẳng chính trị và vô số bi kịch của con người. Đa số di dân sinh sống và làm việc hợp pháp. Thế nhưng, một phần thiểu số những người tuyệt vọng đang liều mạng tìm đường đến các quốc gia khác để rồi bị nghi ngờ và ngược đãi.
Áp lực về dân số và tác động của biến đổi khí hậu đối với các xã hội dễ bị tổn thương nhiều khả năng khiến cho vấn đề di cư thêm trầm trọng trong những năm tới.
Những di dân được cứu sống ngoài khơi vùng biển Libya hôm 15-1 Ảnh: REUTERS
Năm nay, các nước sẽ thương thảo một hiệp ước toàn cầu về di trú thông qua Liên Hiệp Quốc. Đây là một nhiệm vụ cấp bách. Thế giới đã bị sốc bởi đoạn video gần đây cho thấy cảnh di dân bị rao bán như nô lệ. Hiện có gần 6 triệu di dân bị rơi vào bẫy lao động khổ sai, thường ở các nền kinh tế phát triển. Làm thế nào chúng ta có thể chấm dứt những bất công này và ngăn chặn chúng tái diễn trong tương lai? Dưới đây là 3 điều cần cân nhắc trong quá trình thảo luận về hiệp ước.
Trước hết, cần công nhận và đẩy mạnh các lợi ích của di trú, điều thường bị bỏ sót trong cuộc tranh luận công khai thời gian qua. Người di cư đóng góp nhiều cho cả quốc gia đón nhận lẫn quê hương họ. Họ làm những công việc mà lực lượng lao động địa phương không thể đáp ứng, từ đó thúc đẩy kinh tế. Họ cũng đóng góp lớn cho sự phát triển quốc tế bằng cách gửi tiền, hàng hóa về quê nhà.
Thứ hai, các nước cần củng cố nền pháp trị về việc quản lý và bảo vệ di dân sao cho có lợi cho kinh tế, xã hội và bản thân người di cư. Cuối cùng, chúng ta cần tăng cường hợp tác quốc tế để bảo vệ di dân, cũng như người tị nạn, trong lúc củng cố thiết chế bảo vệ người tị nạn phù hợp với luật pháp quốc tế.
Bình luận (0)