Chi nhánh tại Mỹ của tổ chức này lập luận giải thưởng căn cứ vào vai trò của ông Blair trong chiến dịch “Biến đói nghèo thành dĩ vãng”. Cụ thể, tại hội nghị thượng đỉnh ở Scotland năm 2005, ông Blair thuyết phục các quốc gia giàu có của nhóm G8 góp thêm 40 tỉ USD viện trợ cho các nước nghèo.
Tuy nhiên, bản kiến nghị cho rằng giải thưởng không chỉ “đáng bị khiển trách về đạo đức mà còn đe dọa uy tín của Save the Children trên toàn cầu”. “Chúng tôi coi giải thưởng này không phù hợp, là sự phản bội nguyên tắc và giá trị của Save the Children. Các nhân viên quản lý của tổ chức trong khu vực không được tham khảo ý kiến về giải thưởng, khiến mọi người bị bất ngờ” - bản kiến nghị viết, cho thấy ngay cả các nhân viên tổ chức cũng không hài lòng.
Cựu thủ tướng Anh và trẻ em tại một trận đá bóng. Ảnh: THE JOURNAL
Sóng gió còn lan vào Hạ viện Anh khi nghị sĩ Andrew Turner thắc mắc: “Liệu ông Tony Blair nhận giải thưởng này có đúng không khi chính ông ấy đẩy chúng ta vào cuộc chiến ở Iraq?”. Cựu thủ tướng Anh vốn hứng chịu chỉ trích vì cùng Mỹ và một số nước bất ngờ đưa quân vào Iraq năm 2003, cướp đi sinh mạng của hàng trăm trẻ em. Kể từ khi từ nhiệm vào năm 2007, ông Blair trở nên nổi tiếng vì gặt hái nhiều giao dịch mờ ám. Ông cũng bị cáo buộc làm mờ ranh giới giữa vai trò kinh doanh và sứ giả hòa bình Trung Đông để trục lợi.
Với giải thưởng nêu trên, giới quan sát đặt nghi vấn về việc 2 phụ tá cũ của ông Blair có vị trí quan trọng trong Save the Children. Theo Reuters, ông Kenneth Roth thuộc Tổ chức Giám sát nhân quyền đã chỉ trích giải thưởng bằng thông điệp trên mạng xã hội Twitter: “Không thể lấy tiền viện trợ cho châu Phi để PR cho ai đó lắm của”.
Dù vậy, báo The Washington Post nhận định giải thưởng “Di sản toàn cầu” không hề bất ngờ vì ông Blair nhận kha khá giải thưởng từ khi rời nhiệm sở. Vài tháng trước, ông được trao danh hiệu nhà từ thiện của năm tại lễ trao giải GQ Men of the Year 2014.
Bình luận (0)