Dẫn nguồn từ 2 người biết trực tiếp chuyến đi, tờ báo Mỹ viết mục đích chuyến thăm là chuẩn bị cho các cuộc đàm phán giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và ông Kim về chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Chuyến thăm diễn ra không lâu sau khi ông Pompeo được đề cử làm ngoại trưởng Mỹ. Trong phiên điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ tuần trước, ông Pompeo nói: "Tôi lạc quan rằng chính phủ Mỹ có thể ra điều kiện để tổng thống và nhà lãnh đạo Triều Tiên có được cuộc đàm phán và kết quả thương lượng sẽ đưa chúng ta đến với một giải pháp ngoại giao mà cả Mỹ và thế giới đều rất cần".
Giám đốc CIA Pompeo (bìa trái) làm cầu nối cho ông Kim và ông Trump. Ảnh: Reuters
Tiếp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago, bang Florida hôm 17-4 (giờ địa phương), ông Trump dường như xác nhận cuộc gặp trên khi tiết lộ "Mỹ đã có những cuộc thảo luận trực tiếp với Triều Tiên ở các cấp độ rất cao".
Ông Pompeo từ lâu giữ vị trí dẫn dắt tiến trình đàm phán của Mỹ với Triều Tiên. Cuộc gặp bí mật kể trên đánh dấu cuộc họp cấp cao nhất giữa 2 nước kể từ năm 2000 (thời điểm Ngoại trưởng Mỹ khi đó là bà Madeleine Albright tiếp xúc với nhà lãnh đạo Kim Jong-il).
Khoảng 1 tuần sau chuyến đi của ông Pompeo, giới chức Mỹ công bố đã có được sự xác nhận trực tiếp từ phía Bình Nhưỡng về việc ông Kim sẵn sàng đàm phán về khả năng phi hạt nhân hóa. Mỹ không có quan hệ ngoại giao với Triều Tiên song các nhà ngoại giao Mỹ vẫn tới thăm Bình Nhưỡng và 2 bên duy trì nhiều kênh liên lạc "cửa sau".
Cũng tại cuộc gặp với Thủ tướng Abe, ông Trump tiết lộ nhiều khả năng thượng đỉnh Mỹ - Triều sẽ diễn ra vào đầu tháng 6 và 5 địa điểm đang được nghiên cứu để làm nơi tổ chức thượng đỉnh, bao gồm nhiều nơi ở châu Á (cả Đông Nam Á) và châu Âu. Trả lời thêm phóng viên, ông Trump nói trong số này không có nơi nào ở Mỹ.
Một lần nữa khẳng định "không có chúng ta, đặc biệt là tôi, (Hàn – Triều) sẽ không có thảo luận và Olympics sẽ thất bại", ông Trump còn bày tỏ sự ủng hộ với khả năng Seoul và Bình Nhưỡng kết thúc hoàn toàn cuộc chiến Triều Tiên – một nội dung có thể được bàn luận trong thượng đỉnh liên Triều vào tuần tới.
Dĩ nhiên, một hiệp định hòa bình sẽ rất phức tạp và cần sự tham gia trực tiếp của Mỹ, bởi Mỹ đã thay mặt Hàn Quốc ký thỏa thuận đình chiến vào năm 1953. Một lý do lớn khiến hiệp định hòa bình tới nay chưa được ký kết là vì Triều Tiên muốn Mỹ rút quân khỏi Hàn Quốc.
Bình luận (0)