Nhiều người chắc mẩm dự án Port City (Thành phố cảng) trị giá 1,5 tỉ USD của Trung Quốc tại thủ đô Colombo sẽ được tái khởi động nhưng Thứ trưởng Ngoại giao Sri Lanka Ajith Perera phủ nhận.
Có diện tích 500 mẫu, nằm ở bờ biển phía Tây Sri Lanka và chỉ cách bờ biển Ấn Độ chừng 250 km, Port City bị Tổng thống Sirisena đình chỉ để điều tra lại các tác động đối với môi trường cũng như việc cựu Tổng thống Mahinda Rajapaksa cho phía Trung Quốc sở hữu hẳn một phần dự án và thuê phần còn lại trong 99 năm.
Tới ngày 3-4, Reuters đưa tin Sri Lanka tiếp tục ra lệnh xét lại 35 dự án đầu tư không qua đấu thầu, trong đó có 28 dự án của các công ty Trung Quốc. Theo người phát ngôn Rajitha Senaratne, nội các Sri Lanka hôm 3-4 quyết định mọi dự án sau này đều phải có đấu thầu công khai.
Tổng thống Sri Lanka Maithripala Sirisena (trái) và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.
Ảnh: Indian Express
Trong 10 năm nhiệm kỳ của ông Rajapaksa, Sri Lanka nghiêng hẳn về Trung Quốc. Mọi việc gần như đảo ngược khi ông Sirisena lên nắm quyền hồi tháng 1-2015. Theo đài CNN, các công ty Trung Quốc sau thời gian “hạnh phúc” với hàng loạt hợp đồng béo bở từ làm đường, xây cầu đến những dự án lớn khác ở Sri Lanka, nay nằm giữa tâm bão.
Trao đổi với CNN, tân Bộ trưởng Tài chính Sri Lanka Ravi Karunanayake nói: “Các công ty Trung Quốc lợi dụng một chế độ tham nhũng để ùa vào (…). Cầu xây ở nơi chẳng có sông, sân bay mọc lên giữa đồng không mông quạnh. Đó là một kiểu tham nhũng lộng hành”. Thậm chí, khi được hỏi dự án nào có mùi tham nhũng, ông Karunanayake trả lời bằng một câu hỏi khác: “Liệu có dự án nào không (tham nhũng)?”.
Ngay cả những khoản tiền - tổng giá trị là 5 tỉ USD - mà Trung Quốc cho Sri Lanka vay cũng bị nghi ngờ. Theo Reuters, trong chuyến thăm Bắc Kinh vào cuối tháng 2, Ngoại trưởng Mangala Samaraweera nêu thẳng: “Người dân Sri Lanka rất lo ngại là lãi suất cho vay bị đẩy lên quá cao kèm theo những điều kiện nào đó”.
Bên cạnh đó, ông Samaraweera tuyên bố sẽ không có chuyện tàu ngầm Trung Quốc cập cảng Colombo trong tương lai gần. Chính một vụ việc tương tự hồi tháng 11 năm ngoái được giới phân tích xem là giọt nước tràn ly khiến Ấn Độ ngấm ngầm ra tay hậu thuẫn phe đối lập Sri Lanka lật đổ ông Rajapaksa.
Với việc đưa ra cam kết tài trợ mới, trang Sri Lanka Guardian cho rằng Bắc Kinh đang cố “giành lấy” ông Sirisena, người đã chọn Ấn Độ làm điểm dừng chân cho chuyến công du đầu tiên. Thủ tướng Narendra Modi lập tức trả lễ và trở thành lãnh đạo Ấn Độ đầu tiên thăm đảo quốc láng giềng trong vòng 28 năm. Ngoài tài trợ, trong cuộc gặp với Tổng thống Sirisena, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố “mong đợi các cuộc đối thoại 3 bên giữa Colombo, New Delhi và Bắc Kinh” để xua tan những nghi ngại tại khu vực Ấn Độ Dương.
Sở dĩ Sri Lanka được “o bế” là do vị trí chiến lược của nước này. Được tờ Boston Globe ví von là viên đá quý treo ở vành tai Ấn Độ, Sri Lanka tuy nhỏ nhưng nằm rất gần các tuyến thương mại hàng hải quan trọng qua Ấn Độ Dương, trong đó bao gồm gần 70% lượng dầu mỏ tới Trung Quốc và Nhật Bản.
Chưa hết, Con đường tơ lụa trên biển mà Bắc Kinh đang ra sức tạo hình - nối vịnh Ba Tư giàu năng lượng với các trung tâm kinh tế ở phía Đông Trung Quốc - rất cần vai trò của Sri Lanka. Cái gật đầu của Colombo mà Chủ tịch Tập Cận Bình đạt được trong chuyến thăm Nam Á hồi tháng 9-2014 nay trở nên thiếu bền vững.
Do đó, tờ Indian Express cảnh báo Bắc Kinh sẽ không “buông” Colombo dễ dàng. Nói như báo Boston Globe, Sri Lanka đang rơi trở lại vòng xoáy giữa các siêu cường đối địch như từng bị Bồ Đào Nha, Hà Lan và Anh tranh giành hơn 500 năm trước.
Bình luận (0)