Theo tạp chí PeerJ vào tuần rồi, loại giun dẹp New Guinea đáng sợ này còn được gọi là sán ốc sên. Nó có thân màu đen, bụng màu trắng đục và chỉ dày vài mm nhưng có thể phát triển dài đến 6,5 cm.
Loài sinh vật này sống chủ yếu ở quốc đảo New Guinea nhưng nay đã lan rộng toàn cầu, sống bám vào thực vật ngoại lai và ẩn trong đất. Giun dẹp New Guinea có khả năng tàn phá hệ sinh thái và là một trong 100 loài xâm lấn nguy hiểm nhất thế giới.
Theo một nhóm nghiên cứu đa quốc gia, loài côn trùng này có lẽ đã đến bang Florida vào năm 2012. Kể từ đó, chúng đã lan rộng nhiều nơi tại hạt Miami-Dade. Việc phát hiện loài giun dẹp kỳ dị này ở Mỹ đang là mối quan tâm đặc biệt bởi trước đây, chúng sinh sống chủ yếu ở các đảo nhỏ. Các nhà nghiên cứu lo ngại loài sinh vật đáng sợ này có thể tiếp tục lan rộng sang những khu vực còn lại ở Mỹ nói riêng và châu Mỹ nói chung.
Mối lo ngại này không phải vô căn cứ khi các nhà khoa học mới đây phát hiện chúng đã có mặt ở một số quốc gia và vùng lãnh thổ mới: bang Florida - Mỹ, vùng lãnh thổ Puerto Rico thuộc Mỹ, Singapore, New Caledonia và quần đảo Solomon. Trước đó, loài giun này chỉ được tìm thấy trong thiên nhiên hoang dã ở 15 quốc gia và trong một nhà kính ở Pháp.
Dù không đe dọa tính mạng con người nhưng loài giun New Guinea có hại cho hệ sinh thái. Khi trở thành “những vị khách không mời mà đến”, chúng sẽ nhanh chóng biến một vùng đất nào đó thành lãnh địa của mình. Chúng tồn tại bằng cách quấn mình vào vỏ ốc sên và dùng miệng ở giữa bụng ăn con mồi, từ đó có thể khiến loài ốc sên bản địa tuyệt chủng.
“Tất cả loài ốc ở châu Âu có thể bị chúng xóa sổ” - ông Jean-Lou Justine, nhà khoa học thuộc Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên quốc gia Pháp và cũng là người dẫn đầu nhóm nghiên cứu nêu trên, cảnh báo. Báo The Washington Post nhận định rằng trừ khi các loài chim ở Florida có sở thích ăn loài giun này, nước Mỹ có thể gặp không ít rắc rối từ chúng.
Bình luận (0)