Trong tự truyện Living History, bà Hillary kể đã “điếng người, quặn tim và giận dữ” khi ông chồng - cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton - thú nhận mối quan hệ ngoài luồng với nữ thực tập sinh Nhà Trắng Monica Lewinsky.
Không kết tội, luôn bảo vệ
Gọi tình địch là “cô ả điên rồ chỉ biết yêu bản thân” nhưng cựu đệ nhất phu nhân vẫn tha thứ cho chồng. Đó là những tâm sự về quãng thời gian nhọc nhằn của bà Hillary được người bạn thân thiết Diane Blair, giáo sư khoa học chính trị của Trường ĐH Arkansas, ghi lại.
Vượt qua khó khăn, ông Bill, bà Hillary và cô con gái Chelsea vẫn duy trì được gia đình Clinton
Ảnh: AP
Trong những ghi chép ấy, Hillary nói bà không nhận lãnh trách nhiệm cho sai lầm của chồng nhưng lại luôn tìm đủ lý lẽ để gỡ tội cho ông. “Đó là một sự sa ngã song bà ấy nói để bảo vệ uy tín, chồng bà đã cố cắt đứt, cố tránh xa Lewinsky. Nhưng mọi chuyện vượt ngoài kiểm soát” - bà Blair viết lại cuộc nói chuyện ngày 9-8-1998.
Lúc này đang là cao điểm bùng nổ của vụ Lewinsky, dẫn đến việc Tổng thống Bill Clinton bị quốc hội luận tội vào tháng 12-1998. Đến tháng 2 năm sau, Thượng viện Mỹ tha bổng cho ông.
Bà Hillary cho rằng chồng mình vướng vào Lewinsky vì áp lực công việc cũng như cảm thấy trống trải trước sự qua đời của cha mẹ và người bạn gia đình Vince Foster. Cựu ngoại trưởng Mỹ còn tự trách bản thân. “Bà ấy nghĩ mình không đủ khéo léo, không đủ nhạy cảm và không thể gạt bỏ những quan tâm cá nhân để luôn ở bên ông” - bà Blair viết.
Bà Hillary với khuôn mặt như hóa đá tại buổi họp báo
mà ông Bill tuyên bố: "Tôi không có quan hệ tình cảm với người phụ nữ đó". Ảnh: Reuters
Trong khi người ngoài cuộc vẫn luôn thắc mắc vì sao bà Hillary quyết định tiếp tục ở bên chồng, bà Blair lý giải: “Ông ấy là bạn thân nhất của bà trong 25 năm, là chồng trong 23 năm. Sợi dây liên kết giữa họ khó mà tưởng tượng được(...). Nhưng trên hết, bà ấy biết mình là ai và cần ưu tiên những gì. Cứ thế, bà ấy tiến thẳng đến những điều đó”.
“Tổng thống tuyệt vời”
Bà Blair là cố vấn cho ông Clinton ở cả 2 kỳ tranh cử năm 1992, 1996 và đặc biệt gần gũi với bà Hillary. Bà Blair qua đời năm 2000. Năm năm sau, chồng Blair hiến tặng những ghi chép của bà cho Trường ĐH Arkansas.
Những ghi chép này vẽ nên chân dung của một “đệ nhất phu nhân không khoan nhượng”. Một thăm dò ý kiến đề ngày 12-5-1992 viết cử tri bang Arkansas ngưỡng mộ cả hai vợ chồng nhà Clinton, đồng thời nói thêm: “Cử tri tìm thấy sự khéo léo ở Bill và phát hiện sự cứng rắn ở Hillary”.
Bà Clinton đóng vai trò quan trọng đối với nhiệm kỳ tổng thống của chồng ngay từ những ngày đầu, kể cả trong hoạch định chính sách và bổ nhiệm nhân sự. Bà từng nổi nóng chỉ trích đội ngũ nhân viên Nhà Trắng làm việc lề mề và gọi các nghị sĩ là “một đám hay rên rỉ, không có dũng khí”. Cánh báo chí, trong mắt bà, là “một lũ không có não” - theo một ghi chép của bà Blair ngày 19-5-1993.
Phía bà Clinton chưa lên tiếng về những tiết lộ không mấy dễ chịu này. Trong khi đó, những chi tiết rò rỉ từ quyển sách ra mắt ngày 11-2 (giờ địa phương) của cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) Daivd Petraeus đã tán tụng bà hết lời.
“Bà ấy sẽ là một tổng thống tuyệt vời. Cũng như nhiều lãnh đạo vĩ đại khác, những phẩm chất ấn tượng của bà đã hiển hiện trong những quãng thời gian khó khăn nhất” - ông Petraeus viết trong quyển HRC: State Secrets and the Rebirth of Hillary Clinton (tạm dịch: Những bí mật quốc gia và sự hồi sinh của Hillary Clinton).
Quá khứ ám ảnh
Mới tuần trước, thượng nghị sĩ Cộng hòa Rand Paul - người không che giấu tham vọng làm ông chủ Nhà Trắng - đã so sánh vị thế giữa cô gái Monica Lewinsky mới hơn 20 tuổi vào thời điểm đó với vị tổng thống quyền lực và mô tả ông Bill Clinton là “dã thú tình dục”.
Khi được hỏi quá khứ của ông Clinton liệu có cản trở nỗ lực tranh cử tổng thống lần 2 của vợ hay không, ông Paul nói: “Không hẳn thế nhưng đúng là nhiều lúc khó tách bạch mọi việc”.
Về Lewinsky, cô là ngôi sao sáng của giới truyền thông kể từ sau vụ tai tiếng với ông Clinton đổ bể. Cô tích cực hoạt động trong nhiều vai trò, kể cả làm phóng viên của kênh Channel 5 (Anh). Đến năm 2005, cô đột nhiên im hơi lặng tiếng và chuyển đến London - Anh học, sau đó tốt nghiệp thạc sĩ ngành tâm lý xã hội.
Tuy nhiên, vào năm 2012, nhiều nguồn tin bàn tán về một thỏa thuận viết sách trị giá 12 triệu USD của Lewinsky. Giả sử quyển sách này - nếu có - được xuất bản trước năm 2016 thì Lewinsky sẽ lại là trở lực chính trị quan trọng nhất với gia đình Clinton.
Bình luận (0)