Theo báo South China Morning Post (SCMP), đây là một phần trong chiến lược của London nhằm củng cố vai trò đối với an ninh khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Cuộc tập trận trên bắt đầu vào ngày 24-8, với sự tham gia của tàu sây bay Anh HMS Queen Elizabeth cùng các tàu chiến HMS Denfender và HSM Kent, bên cạnh tàu chiến HNLMS Evertsen của Hà Lan, tàu chiến USS The Sullivans và USS New Orleans của Mỹ, cũng như tàu khu trục Nhật Bản Asahi. Tham gia tập trận còn có trực thăng Anh, chiến đấu cơ F-35 và máy bay vận tải US Osprey của Mỹ.
Chuẩn đô đốc Yasushige Konno của Hải quân Nhật Bản khẳng định việc tham gia tập trận chung với các nước triển khai chiến đấu cơ F-35 là "rất ý nghĩa". Mỹ và Anh là 2 nước duy nhất sử dụng máy bay trong đợt tập trận này.
"Điều quan trọng là phải tăng cường hợp tác với các nước theo đuổi những giá trị chung, bất kể khoảng cách địa lý" – ông Konno nhấn mạnh.
Nhóm tác chiến tàu sân bay Anh HMS Queen Elizabeth. Ảnh: Twitter
Theo chuyên gia Toshimitsu Shigemura của Trường ĐH Waseda (Tokyo), cuộc tập trận nêu trên diễn ra ở một địa điểm "có khoảng cách hợp lý với biển Đông và không quá xa quần đảo Senkaku trên biển Hoa Đông (hiện do Tokyo kiểm soát nhưng bị Bắc Kinh đòi chủ quyền và gọi là Điếu Ngư)".
Ông Shigemura nhấn mạnh đây chính là một thông điệp mà Tokyo muốn gửi đến Bắc Kinh rằng họ đang xây dựng quan hệ đối tác an ninh với nhiều quốc gia, kể cả ngoài khu vực.
"Với Nhật Bản, sự trở lại của quân đội Anh ở vùng Viễn Đông có vai trò rất quan trọng, bởi nó gợi nhắc về mối quan hệ đồng minh mạnh mẽ giữa London và Tokyo trong kỷ nguyên Minh Trị (Meiji)" – ông Shigemura giải thích, ý nói tới giai đoạn 1868-1912 khi Nhật Bản chuyển đổi từ một quốc gia phong kiến thành một quốc gia công nghiệp tiên tiến với các đồng minh trên toàn thế giới.
Chiến đấu cơ F-35. Ảnh: Reuters
Chuyên gia James Brown của Trường ĐH Temple (Mỹ) cũng cho rằng địa điểm tập trận nhiều khả năng không phải là một sự lựa chọn ngẫu nhiên.
"Mối quan tâm chính của Anh trong khu vực là biển Đông và Okinawa rõ ràng là nơi nằm gần biển Đông nhất của Nhật Bản. Hậu cần cũng là một yếu tố được cân nhắc khi Mỹ có phần lớn căn cứ ở Okinawa" – ông Brown giải thích.
Nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth rời cảng Portsmouth – Anh, vào ngày 24-5 và đã tập trận với các đối tác NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) ở Đại Tây Dương và biển Địa Trung Hải.
Nhóm tác chiến này đến Ấn Độ Dương vào đầu tháng 7 để tập trận với Hải quân Ấn Độ, trước khi đi qua Singapore và tiến vào biển Đông để diễn tập đảm bảo tự do hàng hải với tàu chiến Mỹ. Nhóm này dự kiến tập trận cùng hải quân và không quân Hàn Quốc vào tuần tới.
Tàu ngầm HSM Artful của Hải quân Hoàng gia Anh tại căn cứ hải quân ở TP Busan - Hàn Quốc. Ảnh: DPA
"Bộ tứ" tập trận trên biển Philippines
Nhóm "Bộ tứ" (còn được gọi là nhóm Quad gồm Ấn Độ, Mỹ, Úc và Nhật Bản) ngày 26-8 bắt đầu giai đoạn một của cuộc tập trận hải quân Malabar 2021 trên biển Philippines.
Dự kiến diễn ra đến ngày 29-8, đợt tập trận này nhằm củng cố khả năng phối hợp giữa các nước để giải quyết những thách thức liên quan đến hàng hải.
Theo người phát ngôn Hải quân Ấn Độ Vivek Madhwal, Malabar 2021 bao gồm các nội dung huấn luyện cường độ cao với sự tham gia của tàu khu trục, tàu ngầm, trực thăng, máy bay tuần tra hàng hải…của các nước tham dự.
Tàu chiến Shivalik và Kadmatt của Hải quân Ấn Độ được triển khai để tham gia tập trận Malabar 2021. Ảnh: Twitter
Bình luận (0)