xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Hậu trường cuộc đàm phán Mỹ - Cuba: 18 tháng “đi đêm”

NGUYỄN CAO

Đêm 17-12-2014, Tổng thống Mỹ Obama khiến thế giới sửng sốt khi tuyên bố bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Cuba. Nhiều quan chức ngoại giao cấp cao Mỹ cũng không biết gì về cuộc đàm phán bí mật ròng rã 18 tháng trước đó giữa 2 nước

Cách đây 15 năm, khi được hỏi chi tiết cuộc đàm phán bí mật giữa Israel và Syria, Ngoại trưởng Mỹ lúc bấy giờ là bà Madeleine Albright tủm tỉm cười: “Đôi khi giống như loài nấm, những cuộc đàm phán tỏ ra hiệu quả khi tiến hành trong bóng tối”. Chân lý tuy đơn giản nhưng hiển nhiên này một lần nữa đã được chứng minh.

Sau 18 tháng “đi đêm” với nhau, Mỹ và Cuba - hai nước thù địch trên 50 năm - đã đi đến một thỏa hiệp mang tính lịch sử: Nối lại quan hệ ngoại giao, bắt đầu bằng việc trao đổi điệp viên, thả tù nhân và tháo dỡ các hàng rào thương mại.

Nhìn lại 40 năm qua, hầu như mọi đột phá về mặt ngoại giao giữa các nước nổi tiếng thù dai chỉ có thể đạt được nếu đàm phán trong bóng tối. Chẳng hạn, cuộc đàm phán tối mật trước chuyến đi âm thầm đến Bắc Kinh của Ngoại trưởng Henry Kissinger, sau đó quan hệ ngoại giao Mỹ - Trung được nối lại hay 12 ngày đàm phán ở Trại David dẫn tới ký kết hiệp định hòa bình Israel - Ai Cập. Hiệp ước Oslo hay cuộc họp cấp cao sông Wye cũng chỉ có thể đạt được sau những cuộc gặp bí mật ở một nước thứ ba…

Cú bắt tay lịch sử

Ngày 10-12-2013, tại Soweto thuộc ngoại ô TP Johannesburg - Nam Phi, một sự kiện chưa từng thấy đã xảy ra bên lề buổi lễ truy điệu cựu Tổng thống Nelson Mandela. Chủ tịch Cuba, ông Raul Castro, chủ động tiến đến gần Tổng thống Mỹ Barack Obama rồi tự giới thiệu bằng tiếng Anh: “Chào ngài tổng thống, tôi là Castro”. Hai nhà lãnh đạo vui vẻ bắt tay nhau dưới sự chứng kiến của bà Dilma Rousseff, Tổng thống Brazil. Lúc đó, hầu như không ai biết rõ tại sao lãnh đạo 2 nước thù địch từ thời chiến tranh lạnh nay bỗng dưng làm lành.

Đối với số ít người trong cuộc, cái bắt tay có vẻ như tình cờ nhưng mang tính lịch sử đó tại một dịp hội tụ các nhà lãnh đạo trên thế giới là một tín hiệu lạc quan. Nó báo hiệu cuộc đàm phán bí mật Mỹ - Cuba khởi sự trước đó 6 tháng ở Canada đang tiến triển tốt.

 

Chủ tịch Raul Castro chủ động bắt tay Tổng thống Barack Obama hôm 10-12-2013 Ảnh: AP
Chủ tịch Raul Castro chủ động bắt tay Tổng thống Barack Obama hôm 10-12-2013 Ảnh: AP

 

Sau cuộc làm lành bất ngờ nêu trên 1 năm, chính xác là đêm 17-12-2014, Tổng thống Obama và Chủ tịch Raul Castro đã có dịp nói chuyện với nhau qua điện thoại đến 45 phút. Ngay sau đó, 2 nhà lãnh đạo đồng thời xuất hiện trên đài truyền hình tuyên bố với thế giới rằng quan hệ ngoại giao Mỹ - Cuba đã lật sang trang mới, từ nay không coi là kẻ thù chẳng đội trời chung nữa.

Quan hệ ngoại giao Mỹ - Cuba đóng băng suốt 8 đời tổng thống Mỹ. Ông Obama là vị tổng thống thứ 9 chính thức “rã đông” mối quan hệ này. Tại sao lại là Tổng thống Obama mà không phải ai khác? Còn nhớ năm 2007, khi báo chí hỏi nếu trở thành tổng thống Mỹ, ông có muốn ngồi vào bàn đàm phán với lãnh đạo các nước như Triều Tiên, Venezuela, Iran, Cuba… không, thượng nghị sĩ Obama đã trả lời dứt khoát: “Có!”.

Vẫn còn nhiều bí ẩn

Tuy vậy, trong nhiệm kỳ đầu, Tổng thống Obama không ngó ngàng gì tới Cuba trừ 2 lần chính thức lên tiếng phàn nàn nước này bắt giữ nhân viên Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) Alan Gross (năm 2009 và 2011). Mãi đến khi tái đắc cử năm 2012, ông mới ra lệnh cho Bộ Ngoại giao Mỹ xem xét lại toàn bộ chính sách đối với Cuba.

Tháng 6-2013, Tổng thống Obama bật đèn xanh cho cuộc đàm phán bí mật với Cuba. Tất nhiên, một mình ông không thể làm nên cơm cháo gì nếu không có sự đồng tình của Chủ tịch Cuba Raul Castro (và tất nhiên cả lãnh tụ Fidel Castro), của Thủ tướng Canada Stephen Harper, đặc biệt là đóng góp to lớn của Giáo hoàng Francis.

Đến nay, có rất ít chi tiết xung quanh cuộc đàm phán diễn ra trong bí mật giữa Mỹ và Cuba được tiết lộ hoàn toàn. Người ta chỉ biết về chuyện du khách Mỹ được mang về nước bao nhiêu điếu xì-gà (trị giá không quá 100 USD, theo quy định mới nhất của hải quan Mỹ), chuyện mở lại Đại sứ quán Mỹ ở Havana và lộ trình tháo dỡ cấm vận đối với Cuba, việc trao đổi điệp viên và trả tự do cho Alan Gross “vì lý do nhân đạo”…

Nếu như danh tính trưởng và phó đoàn đàm phán bên phía Mỹ được nêu ra - là Ben Rhodes, Phó Phòng An ninh quốc gia về chiến lược thông tin của phủ tổng thổng và Ricardo Zuniga, Vụ trưởng Vụ Tây bán cầu của Hội đồng An ninh quốc gia - thì tên tuổi nhân vật cầm đầu phái đoàn Cuba không được tiết lộ.

Về địa điểm đàm phán, không rõ 2 bên từng gặp tổng cộng bao nhiêu lần, chỉ biết rằng có ít nhất 7 cuộc họp đã diễn ra tại 2 thành phố Ottawa và Toronto ở Canada. GS Dane Rowland, Hiệu trưởng Trường Quan hệ quốc tế thuộc Đại học Carleton ở Ottawa, cho biết một số cuộc họp khác đã diễn ra ở Mexico và Brazil trước khi phiên họp cuối cùng tổ chức tại Vatican.

 

Canada, người bạn tốt

Không phải vô cớ mà Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Raul Castro ngỏ lời cảm ơn chân thành Chính phủ Canada đã giúp Mỹ và Cuba chấm dứt chiến tranh lạnh dù Canada không trực tiếp tham gia đàm phán. Vai trò của Canada, theo GS Rowland, bắt nguồn từ lịch sử.

Khi Washington siết chặt quan hệ ngoại giao với Havana sau Cách mạng 1959 thì Canada không theo đuôi Mỹ. Dù sau đó Canada ủng hộ Mỹ chỉ trích Cuba trong vấn đề nhân quyền, tình bạn giữa lãnh tụ Fidel Castro và Thủ tướng Pierre Elliott Trudeau vẫn nồng ấm. Chính ông Fidel đã kê vai đỡ quan tài Trudeau khi ông này mất năm 2000.

Trong bối cảnh đó, Canada là nơi duy nhất Mỹ có thể tiến hành đàm phán bí mật với Cuba. Đây là một trường hợp hiếm hoi trong quan hệ quốc tế nhưng do cắt đứt quan hệ với Cuba, Mỹ không có lựa chọn nào hợp tình, hợp lý hơn. Mỹ chỉ yêu cầu Canada tuyệt đối kín miệng. Trên thực tế, chỉ có vài quan chức cao cấp Canada biết chuyện và tuân thủ tuyệt đối luật im lặng.

 

Kỳ tới: Dấu ấn Giáo hoàng Francis

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo