Các quan chức Mỹ và Cuba đã tiến hành ngày họp thứ hai ở thủ đô Havana hôm 22-1 (giờ địa phương), tập trung vào những việc cần làm để mở cửa lại đại sứ quán và trao đổi đại sứ lần đầu tiên kể từ khi quan hệ song phương đổ vỡ vào năm 1961.
Dẫn đầu phái đoàn Mỹ là bà Roberta Jacobson, trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Tây Bán Cầu; đại diện phía chủ nhà là bà Josefina Vidal, Vụ trưởng phụ trách các vấn đề về Mỹ thuộc Bộ Ngoại giao Cuba. Bà Jacobson là quan chức Mỹ cấp cao nhất đến Cuba kể từ năm 1980.
Giới chức Mỹ hy vọng Cuba sẽ đồng ý mở lại đại sứ quán cũng như bổ nhiệm đại sứ mới của hai bên trong những tháng tới. Ngoài ra, Washington còn muốn dỡ bỏ hạn chế đi lại áp đặt lên các nhà ngoại giao nước này ở Havana và bảo đảm rằng người dân Cuba được tiếp cận tự do Đại sứ quán Mỹ khi nơi này đi vào hoạt động.
Giới chức Mỹ cho biết vấn đề nối lại quan hệ ngoại giao đầy đủ giữa 2 nước phụ thuộc vào việc những yêu cầu nêu trên được đáp ứng nhanh đến đâu. Về phía Cuba, họ muốn Mỹ đưa ra khỏi danh sách “những nước bảo trợ khủng bố” - một đề nghị đang được Washington cân nhắc.
Trước thềm cuộc gặp, cả hai bên đều thận trọng cho rằng không thể đạt một kết quả đột phá lúc này, nhất là khi họ vừa trải qua ngày đàm phán đầu tiên với không ít bất đồng xung quanh chính sách di trú. Tại cuộc gặp phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ Alex Lee hôm 21-1, bà Josefina Vidal kêu gọi Washington bãi bỏ chính sách “chân khô, chân ướt”, bị xem là nguyên nhân chính gây ra làn sóng di cư trái phép của người Cuba tới Mỹ và làm nước này chảy máu chất xám. Trong khi đó, phía Mỹ thúc ép Cuba nhận lại hàng chục ngàn công dân bị kết tội mà Washington muốn trục xuất.
Chính sách “chân ướt, chân khô” quy định mọi công dân Cuba, dù là nhập cư bất hợp pháp, chỉ cần đặt chân lên lãnh thổ Mỹ là được phép định cư hợp pháp tại nước này và Washington chỉ trao trả lại cho Havana những người bị bắt giữ trên biển. Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ Jeh Johnson hôm 21-1 khẳng định chính sách này vẫn được duy trì nhưng nhấn mạnh những người Cuba tìm cách di cư bất hợp pháp đến Mỹ sẽ bị ngăn chặn và trả về nước.
Minh chứng cho nỗ lực này, Mỹ cho biết đã đưa thêm tàu đến eo biển Florida để chặn dòng người di cư Cuba ngoài khơi, phần lớn mạo hiểm đi trên những chiếc bè. Giới chức Mỹ cho biết số người Cuba tìm cách vượt biển đến bang Florida đã tăng vọt kể từ khi 2 nước thông báo quyết định bình thường hóa quan hệ hôm 17-12-2014. Tuy nhiên, theo AP, con số này đã giảm trong 2 tuần trở lại đây nhờ sự gia tăng tuần tra của lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ.
Dù chưa có tiến triển nào đạt được nhưng các quan chức Cuba - Mỹ vẫn lạc quan nhận định ngày làm việc đầu tiên là “hữu ích và mang tính xây dựng”. “Bất chấp những khác biệt rõ ràng vẫn tồn tại, Mỹ và Cuba có thể tìm thấy cơ hội thúc đẩy những lợi ích chung cũng như có một cuộc đối thoại sâu sắc trong bầu không khí tôn trọng lẫn nhau” - ông Alex Lee nói với báo giới sau cuộc gặp kéo dài hơn 3 giờ.
Cũng trong ngày 21-1, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry bày tỏ hy vọng sẽ đến Cuba để có thể chính thức mở đại sứ quán ở Havana. Ông cũng sẵn sàng gặp người đồng cấp Cuba Bruno Rodriguez vào thời điểm thích hợp. Hai quan chức này cho đến giờ chỉ mới trao đổi qua điện thoại. Dù vậy, nhà ngoại giao hàng đầu Mỹ nhận định vẫn còn nhiều vấn đề cần thương thảo trước khi 2 nước có thể phá hoàn toàn “khối băng” tích tụ trong hơn 5 thập kỷ.
Bình luận (0)