Dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, một số nước phản đối Trung Quốc bành trướng ở biển Đông đã yêu cầu sự giúp đỡ từ Washington.
Nhưng kể từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức vào ngày 20-1, Washington giảm áp lực về vấn đề biển Đông để tìm kiếm sự ủng hộ của Bắc Kinh nhằm giải quyết vấn đề tên lửa và hạt nhân Triều Tiên.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), trụ sở tại Mỹ, Bắc Kinh gần như đã hoàn tất cơ sở hạ tầng trên 7 đảo nhân tạo xây dựng phi pháp ở biển Đông, bao gồm đường băng quân sự và hệ thống radar hoàn chỉnh.
Trung Quốc cải tạo Đá Chữ Thập ở biển Đông. Ảnh: AP
Khi Ngoại trưởng Rex Tillerson và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis của Mỹ gặp gỡ các quan chức quốc phòng và ngoại giao cấp cao của Trung Quốc vào ngày 21-6 trong khuôn khổ cuộc đối thoại an ninh tại thủ đô Washington, hai bên được cho là sẽ thảo luận về vấn đề này.
Chuyên gia cấp cao Yun Sun đến từ Trung tâm Stimson, trụ sở ở Washington, nhận định: "Biển Đông sẽ là một vấn đề quan trọng trong chương trình nghị sự, ít nhất là theo quan điểm của Mỹ. Trung Quốc có thể xem biển Đông là vấn đề không đáng quan tâm hiện nay vì quan hệ giữa họ với Philippines đã được cải thiện. Tuy nhiên, đó vẫn là mối quan tâm chính của Washington".
Sau vụ kiện lên Toà trọng tài thường trực (PCA) ở The Hague – Hà Lan, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã xuống thang căng thẳng với Trung Quốc trong bối cảnh Manila nhận viện trợ và đầu tư từ Bắc Kinh.
Tạp chí Forbes nhận định Mỹ không muốn Trung Quốc chiếm quá nhiều lợi thế ở Đông Nam Á vì sẽ làm ảnh hưởng tới việc duy trì cân bằng địa chính trị giữa hai nước.
Vụ Mỹ điều tàu hải quân tiếp cận trong phạm vi 12 hải lý quanh đảo nhân tạo do Trung Quốc xây phi pháp trên Đá Vành Khăn hồi cuối tháng 5 vừa qua là dấu hiệu cho thấy chính quyền Tổng thống Donald Trump có thể đã "kết thúc giờ giải lao" và bắt đầu gây áp lực lên Bắc Kinh trở lại, theo Forbes.
Bình luận (0)