Nhà chức trách tin rằng đứa trẻ 15 tuổi nêu trên đến từ TP Mosul, thành trì của IS tại Iraq, một tuần trước và bị bắt trước khi tiếp cận được mục tiêu đánh bom - một đền thờ của người Shiite. Ông Najmaldin Karim, Tỉnh trưởng Kirkuk, nói với đài CNN rằng IS đã huấn luyện và tẩy não đứa trẻ. “Chúng nói với đứa trẻ rằng nếu làm điều này (đánh bom tự sát), em sẽ lên thiên đường, sống vui vẻ và có mọi thứ mình muốn” - ông Karim cho biết.
Cũng trong ngày 21-8, dư luận còn chú ý đến cáo buộc của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Theo đó, hung thủ đánh bom tự sát một đám cưới của người Kurd ở TP Gaziantep khiến 54 người thiệt mạng hôm 20-8 là một đứa trẻ trong độ tuổi 12-14 và ra tay theo lệnh của IS. Dù Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim ngày 22-8 nói lại Ankara chưa thể xác nhận kẻ đánh bom tự sát là ai nhưng mối đe dọa này không vì thế mà giảm bớt.
Một số báo cáo của Liên Hiệp Quốc cho biết IS đang duy trì một lực lượng tay súng nhí, có em chỉ mới 8 tuổi. Trong khi đó, các nhà nghiên cứu ước tính khoảng 1.500 tay súng nhỏ tuổi đang được huấn luyện và chiến đấu trong hàng ngũ IS. Tổ chức này được cho là sử dụng đủ thủ đoạn để nhồi nhét tư tưởng cực đoan của chúng. Trong một số trường hợp, các em bị ép chứng kiến cảnh tay súng IS bắn chết những “tân binh” nào không chịu tham gia huấn luyện. Đi xa hơn, IS còn chiếm giữ nhiều trường học và sử dụng chúng để cực đoan hóa học sinh ở đó.
Có nhiều lý do để IS tăng cường sử dụng “sư tử con của đế chế Hồi giáo” - cách IS gọi những tay súng trẻ em. Chiến dịch không kích được liên quân do Mỹ đứng đầu tiến hành 2 năm nay ước tính tiêu diệt 45.000 tay súng IS. Vì thế, chúng buộc phải sử dụng thành viên trẻ em để bổ sung tổn thất này. Ngoài ra, so với người trưởng thành, trẻ em dễ bị thao túng hơn trong lúc ít bị nghi ngờ hoặc chú ý hơn khi tiếp cận mục tiêu tấn công. Chính vì lợi thế này, không chỉ IS mà nhiều nhóm khác như Al-Qaeda, Taliban, Boko Haram, Al-Shabaab… cũng không từ thủ đoạn dùng trẻ em trong các vụ khủng bố, khiến lực lượng an ninh khắp thế giới đối mặt thách thức mới.
“Trẻ em bị sử dụng để lọt qua những lớp phòng thủ thông thường được thiết kế nhằm ngăn những kẻ khủng bố “thông thường”. Sẽ là hợp lý hơn nếu chúng ta xem những đứa trẻ này vừa là nạn nhân vừa là thủ phạm” - ông John Feffer, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Chính sách (Mỹ), nhận định.
Ngay cả khi IS đang mất gần phân nửa lãnh thổ kiểm soát ở Iraq và 20% lãnh thổ ở Syria, những người chỉ trích cho rằng chiến lược chống IS của liên quân vẫn chưa đủ nếu chỉ tập trung vào mặt quân sự. Ông Hassan Hassan, nhà nghiên cứu tại Viện Tahrir về chính sách Trung Đông (Mỹ), cảnh báo hàng ngàn trẻ em đang lớn lên trong bối cảnh bạo lực mà không được giáo dục nên dễ trở thành mục tiêu dụ dỗ của IS. Vì thế, theo ông, cộng đồng quốc tế cần tìm giải pháp cho cả những vấn đề kinh tế - xã hội nếu không muốn một “IS thứ 2” xuất hiện.
Bình luận (0)