Chuyến thăm Nga của Quốc vương Ả Rập Saudi Salman bin Abdulaziz Al Saud từ ngày 4 đến 7-10 là chuyến đi đầu tiên của một vị vua vương quốc này đến Moscow.
Liên Xô đã công nhận Vương quốc Hijaz & Najd (tiền thân của Ả Rập Saudi) vào năm 1926 và 2 bên khôi phục quan hệ ngoại giao đầy đủ. Tuy nhiên, những khác biệt về chính sách, tình hình khu vực và quốc tế khiến cho một chuyến thăm như thế không thể diễn ra trong quá khứ.
Ngoài tính biểu tượng, chuyến thăm của Quốc vương Salman hứa hẹn thay đổi cuộc chơi, nhất là khi Nga và Ả Rập Saudi mãi đến gần đây mới xích lại gần nhau hơn.
Một số chuyến thăm Nga trước đó của Thái tử Mohammed bin Salman đã dọn đường cho chuyến thăm hoàng gia nói trên. Giới chức 2 bên cũng bàn thảo các vấn đề dầu mỏ, thương mại, đầu tư và những cuộc khủng hoảng tại khu vực.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) tiếp Quốc vương Ả Rập Saudi Salman tại Điện Kremlin ở Moscow - Nga hôm 5-10 Ảnh: REUTERS
Chuyến thăm của Quốc vương Salman diễn ra gần 10 năm sau khi Tổng thống Vladimir Putin đến Ả Rập Saudi vào tháng 2-2007. Khi đó, người ta hy vọng 2 quốc gia này có thể đạt được mối quan hệ vững chắc, có lợi cho đôi bên. Một thay đổi khác diễn ra ở Abu Dhabi vào tháng 11-2011.
Với sự ủng hộ của Ả Rập Saudi, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đã đăng cai hội nghị đối thoại chiến lược đầu tiên giữa Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC, gồm thêm 4 thành viên Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar) và Nga.
Các bộ trưởng ngoại giao đã đưa ra tuyên bố chung đầy hứa hẹn, cho thấy quan điểm gần hơn giữa các bên về những vấn đề khu vực, trong đó có Syria.
Cả hai bên nhận thấy tiềm năng hình thành mối quan hệ chiến lược vượt ra bên ngoài phạm vi chính trị và an ninh. Thương mại, năng lượng, đầu tư, công nghệ… thuộc số những lĩnh vực thu hút sự quan tâm của họ. Hai bên nhất trí chống khủng bố và chủ nghĩa cực đoan dù vẫn còn ý kiến khác biệt về những ưu tiên.
Nga và các nước vùng Vịnh còn lâu mới đồng thuận về mọi vấn đề nhưng cuộc đối thoại giữa 2 bên dường như trở nên hứa hẹn hơn bao giờ hết. Những tuyên bố công khai vào thời điểm đó phản ánh sự tâm đầu ý hợp.
Những lợi ích tiềm tàng đã thúc đẩy mối quan hệ mới này. Trong khi tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Nga và GCC đã vượt quá 3.000 tỉ USD, kim ngạch thương mại 2 chiều lại chưa đến 3 tỉ USD, không tương xứng với quy mô nền kinh tế Nga và GCC. Đầu tư vẫn còn hạn chế bất chấp tiềm năng lớn và sự hiện hữu của một vài mối quan hệ đối tác nổi bật.
Tuy nhiên, quan hệ 2 bên trở nên xa cách do cuộc xung đột Syria và chỉ đến năm 2015 họ mới nối lại cuộc đối thoại ý nghĩa. Sau khi ông Mohammed bin Salman thăm Nga hồi tháng 6-2015, nhiều hoạt động của các giới chức GCC và Nga đã diễn ra, kể cả các chuyến thăm cấp nhà nước.
Tháng 5-2016, Bộ trưởng Ngoại giao Ả Rập Saudi Adel Al-Jubeir dẫn đầu phái đoàn GCC tham dự cuộc đối thoại chiến lược GCC - Nga, lần đầu tiên diễn ra ở Nga. Đây cũng là đối thoại chiến lược chính thức đầu tiên giữa các bộ trưởng ngoại giao 2 bên kể từ lần đầu ở Abu Dhabi năm 2011.
Bất chấp những khác biệt về các vấn đề khu vực, hai bên dường như bắt đầu nối lại thảo luận về mở rộng hợp tác và thu hẹp khác biệt. Về vấn đề Syria, 2 bên nhất trí cần phải mau chóng kết thúc cuộc xung đột này. Nga giờ đây cũng đồng ý phân biệt giữa phe đối lập ôn hòa và các tổ chức khủng bố như Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và Mặt trận Al-Nusra.
Ngoài ra, 2 bên còn đạt một số tiến triển về vấn đề Iran. Đề cập cáo buộc Iran can thiệp chuyện nước khác, Nga nhất trí rằng mối quan hệ GCC - Iran phải dựa trên các nguyên tắc láng giềng tốt, không can dự vào công việc nội bộ của nhau; tôn trọng độc lập chính trị, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, căn cứ vào Hiến chương Liên Hiệp Quốc và luật pháp quốc tế; từ bỏ hoặc kiềm chế sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực hoặc khiêu khích có thể hủy hoại lòng tin và đe dọa an ninh cũng như sự ổn định trong khu vực.
Nga cũng ủng hộ GCC trong việc kêu gọi giải pháp hòa bình giữa Iran và UAE liên quan đến 3 hòn đảo Greater, Lesser Tunbs và Abu Musa, phù hợp với luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hiệp Quốc, trong đó có đàm phán trực tiếp giữa 2 bên. Thêm vào đó, Nga và GCC chia sẻ quan điểm về Yemen và Iraq nhưng chắc chắn vẫn còn những khác biệt về một số vấn đề khác.
Nga muốn cải thiện hình ảnh của mình trong thế giới Hồi giáo và đã tổ chức các hội nghị để thúc đẩy đối thoại Hồi giáo - Nga.
Ngoài đối thoại chính trị tích cực về các vấn đề khu vực và quốc tế, Nga, Ả Rập Saudi và các nước khác thuộc GCC đã nhất trí "tạo ra một môi trường thuận lợi" cho quan hệ đối tác tốt đẹp hơn về thương mại, công nghiệp, vận tải, viễn thông, nông nghiệp, du lịch, y tế, giáo dục và nghiên cứu khoa học.
Họ cũng tiếp tục hợp tác về năng lượng, cả trong chính sách dầu mỏ lẫn năng lượng tái tạo. Hai bên còn thảo luận về một "kế hoạch hành động chung" đầy tham vọng sẽ được thực hiện trong vài năm tới.
Tóm lại, chuyến thăm của Quốc vương Salman có thể là chìa khóa mở ra tiềm năng hợp tác với Nga và biến những kế hoạch đầy tham vọng này thành hiện thực.
Bình luận (0)