Diễn ra trước ngày bầu cử tổng thống vỏn vẹn 12 ngày, động thái của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) gây sửng sốt và tranh cãi vì nó tạo điều kiện cho ứng cử viên (ƯCV) Cộng hòa Donald Trump lật ngược thế cờ ở “phút 89”. Bởi lẽ, trước đó, hầu như tất cả cuộc thăm dò dư luận đều dự báo ƯCV Dân chủ Hillary Clinton có đến 80% cơ hội đắc cử tổng thống.
Đột ngột “trở cờ”
Vụ “Email gate” (xì-căng-đan thư điện tử) kéo dài từ năm 2009 đến 2013. Lúc đó, bà Clinton giữ vai trò Ngoại trưởng Mỹ. Bà dùng máy chủ thư điện tử riêng ở nhà (New York) để gửi và nhận email, trong đó có những bức chứa đựng thông tin mật, vi phạm nguyên tắc bảo mật của Bộ Ngoại giao Mỹ.
Ứng cử viên tổng thống Mỹ Hillary Clinton Ảnh: Reuters
Trong thời gian bị điều tra, bà Clinton khẳng định không hề động tới thông tin mật khi gửi hoặc nhận email qua máy chủ riêng. Sau đó, bà thừa nhận “có mắc sai lầm nhưng chỉ là vô tình” vì một số thông tin mà vào thời điểm bà sử dụng không phải là mật.
Tháng 7 vừa qua, sau khi điều tra vụ việc, FBI kết luận rằng bà Clinton và các trợ lý “vô cùng bất cẩn” khi xử lý thông tin mật nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Từ đầu, vụ việc được những người ủng hộ ƯCV Donald Trump theo dõi với sự phấn khích đặc biệt. Họ liên tục kêu gọi “bỏ tù bà ấy đi”. Song, sự háo hức này mau chóng “xì hơi” với kết luận của FBI.
Người thông báo kết luận nêu trên là Giám đốc FBI James Comey vào hôm 5-7 trong một cuộc họp báo diễn ra vài giờ trước khi bà Clinton bắt đầu chiến dịch vận động tranh cử cùng Tổng thống Obama. Ông Comey cho biết FBI đã điều tra vụ việc cả năm trời và đi đến kết luận: Cách sử dụng email của bà Clinton là “cực kỳ bất cẩn”. Tuy nhiên, FBI sẽ không kiến nghị Viện Công tố truy tố hình sự.
Ông giải thích: “Theo chúng tôi, bà Clinton không cố ý vi phạm nguyên tắc bảo mật, không làm rò rỉ khối lượng lớn dữ liệu mật cũng như không có dấu hiệu bất trung hay cản trở công lý”.
Ông Comey khẳng định FBI đã xem xét và phân tích kỹ 30.000 email của bà Clinton, trong đó chỉ có 110 thư chứa đựng thông tin mật từ thấp đến cao (thấp nhiều hơn) vào thời điểm gửi đi. Đáng chú ý, theo ông Comey, một số email nằm ngoài kho dữ liệu Bộ Ngoại giao “có lẽ do bị xóa”.
Phản ứng của phe Cộng hòa rất dữ dội. Họ cáo buộc cuộc điều tra đã bị chính trị hóa có lợi cho Đảng Dân chủ cầm quyền - điều mà Bộ trưởng Tư pháp Loretta Lynch cực lực bác bỏ. Bà Lynch, sếp ông Comey, nhấn mạnh không hề dùng ảnh hưởng của mình để định hướng cuộc điều tra.
Bộ trưởng Tư pháp hứa sẽ chấp nhận mọi kết luận của FBI - một lời hứa mà bà có thể cảm thấy tiếc nuối vì “bề dưới” đột ngột “ trở cờ” hôm 28-10.
Chống lại cấp trên?
Có thể nói đó là “ngày thứ sáu đen tối” của bà Clinton. Hôm ấy, trong một động thái được cho là chống lại cấp trên, giám đốc FBI gửi thư thông báo với Quốc hội Mỹ rằng cơ quan ông đang xem xét một loạt email mới “thích hợp” cho việc điều tra lại hồ sơ “Email gate”. Đáng chú ý là cùng ngày, bức thư này chỉ được gửi riêng cho các nghị sĩ Cộng hòa.
Loạt email mới bao gồm hàng vạn thư tìm thấy trong laptop của cựu hạ nghị sĩ Anthony Weiner, đại diện Đảng Dân chủ bang New York, chồng cũ của bà Huma Abedin - vốn là đệ tử ruột của bà Clinton. Chiếc laptop mà 2 vợ chồng dùng chung này từng kết nối với máy chủ thư điện tử riêng của bà Clinton.
FBI đã điều tra dữ liệu lưu trữ trong laptop của ông Weiner từ tháng 6-2016 sau khi cựu ứng cử viên thị trưởng New York nổi tiếng “gái gú” này bị tố gạ tình (chat sex) trẻ vị thành niên. Đây cũng là lý do bà Amedin đệ đơn xin ly dị hồi tháng 8 vừa qua. Trong quá trình điều tra , FBI phát hiện các email nhạy cảm tình nghi liên quan đến vụ “Email gate”.
Tuy nhiên, khi bị chất vấn “nội dung những email đó là gì?”, ông Comey trả lời “chúng tôi chưa rõ” rồi thừa nhận “ngay lúc này, FBI chưa thể khẳng định điều gì”. Nói như vậy có thể ngầm hiểu đó là bản sao của những bức thư trong vụ án “Email gate” mà FBI đã phân tích nhưng cũng có thể chúng chứa dữ liệu thuộc dạng “bắt tận tay, day tận mặt” chống lại bà Clinton.
Ngày 30-10, FBI đã xin được phép điều tra mớ tài liệu mới kể trên. Cuộc điều tra chắc chắn không thể có kết quả trước ngày bầu cử tổng thống Mỹ (8-11). Dù sao thì sự kiện này rất bất lợi cho ƯCV Hillary Clinton. Nó đặt ra nhiều câu hỏi: Tại sao giám đốc FBI lật lại một vụ án mà chính ông ta đã kết luận là “không cần thiết phải truy cứu trách nhiệm hình sự”? Liệu ông Comey có lạm quyền?
Quyết định thông báo với quốc hội rằng FBI sẽ “khai quật” lại hồ sơ “Email gate”của ông Comey đã bị phe Dân chủ, kể cả một số nghị sĩ Cộng hòa, chỉ trích mạnh mẽ. Bà Clinton gọi hành động này là “không có tiền lệ” và “gây rối”. Nó cũng khiến các quan chức cao cấp Bộ Tư pháp nổi giận, cho rằng FBI đã can thiệp vào tiến trình bầu cử.
Nhằm ngăn chặn FBI, 4 thượng nghị sĩ đã yêu cầu ông Comey giải trình trước quốc hội. Dưới sự dẫn dắt của cựu bộ trưởng Tư pháp Eric Holder (thời Tổng thống Obama), gần 100 cựu quan chức Đảng Dân chủ và Cộng hòa của bộ đồng ký tên vào một lá thư ngỏ phản đối quyết định của ông Comey.
Những người ủng hộ Doanld Trump tất nhiên như mở cờ trong bụng. Trong một cuộc mít-tinh ở bang Nevada, ƯCV Đảng Cộng hòa hào hứng phát biểu: “Chưa bao giờ chúng tôi nghĩ tới chuyện này. Cám ơn Anthony Weiner”!
Kỳ tới: James Comey, người thích đi dây
Thêm rào cản WikiLeaks
“Email gate” không phải là rào cản duy nhất trên đường đua vào Nhà Trắng của bà Clinton. Trang tin WikiLeaks của nhà báo kiêm hacker Úc Julian Assange - chuyên đăng tài liệu chưa công bố - gần đây ngày nào cũng tiết lộ email của John Podesta, chánh văn phòng kiêm chủ tịch chiến dịch vận động tranh cử của bà Clinton, mà ông đánh cắp được.
WikiLeaks dọa từ đây đến ngày bầu cử sẽ tung lên mạng không dưới 50.000 email của Podesta. Trong đó, nhiều thư có thể phá vỡ hình ảnh ƯCV Dân chủ, như: “bà Clinton hay lừa dối công luận và thích che giấu sự thật”, “không có khả năng lãnh đạo đất nước” - theo đánh giá của những người thân cận của bà. Cụ thể, một email tháng 2-2015 cho biết nữ cố vấn Neera Tanden của bà Clinton cho rằng vợ chồng cựu ngoại trưởng từng vài lần đưa ra những “quyết định tồi tệ nhất”.
Bình luận (0)