11,5 triệu tài liệu ghi lại quá trình hoạt động gần 40 năm (1977 đến tháng 12-2015) của công ty luật Mossack Fonseca (Panama) đang gây sóng gió dữ dội trên thế giới.
Dựa trên số tài liệu rò rỉ này - gọi là "Hồ sơ Panama", hơn 100 tổ chức truyền thông thế giới đã công bố hàng loạt báo cáo chấn động hôm 3-4.
Đài BBC thống kê ít nhất 72 đương kim hoặc cựu lãnh đạo nhiều nước bị nhắc tên trong “Hồ sơ Panama”, như Tổng thống Argentina Mauricio Macri, Tổng thống Syria Bashar al-Assad, cựu Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak, cựu lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi… Một số nhà lãnh đạo khác có người thân hoặc phụ tá bị nêu tên.
Bác bỏ và điều tra là 2 phản ứng phổ biến nhất sau khi vụ việc xảy ra.
Bác bỏ
Nga
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov gọi cáo buộc trong “Hồ sơ Panama” là “không căn cứ và không có gì mới”. Theo ông Peskov, đây chỉ là chiêu trò nhằm bôi nhọ uy tín của Tổng thống Vladimir Putin trước thềm các cuộc bầu cử tại Nga sắp tới.
Theo hồ sơ trên, những nhân vật thân cận với ông Putin đã thực hiện các thỏa thuận và khoản vay bí mật ở nước ngoài lên đến 2 tỉ USD.
Anh
Người phát ngôn của Thủ tướng Anh David Cameron từ chối bình luận về việc gia đình ông đầu tư tiền ở nước ngoài trong các quỹ do cha ông – ông Ian Cameron – sáng lập. Theo người phát ngôn, đây là “chuyện riêng tư”.
Ngoài ông Ian Cameron, “Hồ sơ Panama” còn nêu tên nhiều nhân vật thuộc Đảng Bảo thủ, từ thượng nghị sĩ đến cựu nghị sĩ, nhà tài trợ...
Iceland
Thủ tướng Sigmundur David Gunnlaugsson tuyên bố không từ chức dù có tới 16.000 người ký tên đòi ông ra đi (tính đến sáng 4-4) và một cuộc biểu tình rầm rộ diễn ra sau đó. Ông bị tố cáo sở hữu tài sản bí mật có liên quan đến người vợ giàu có của mình..
Pakistan
Gia đình Thủ tướng Nawaz Sharif phủ nhận làm điều sai trái sau khi con gái Mariam và con trai Hussain của ông bị tố có công ty bình phong ở nước ngoài. Bộ trưởng Thông tin Pakistan, ông Pervez Rasheed, nhấn mạnh: “Mỗi người có quyền định đoạt tài sản của họ, từ ném chúng xuống biển, đem bán hay lập một công ty. Luật pháp Pakistan và luật pháp quốc tế không xem đây là hành vi phạm tội”.
Ukraine
Tổng thống Petro Poroshenko hôm 4-4 khẳng định không làm gì sai dù bị “Hồ sơ Panama” chỉ ra ông có 3 tài khoản ở nước ngoài.
Trước khi có tuyên bố này, phe đối lập cho rằng ông Poroshenko đã chuyển hãng bánh kẹo Roshen của ông sang một công ty nước ngoài là British Virgin Islands vào năm 2014 – thời điểm “hàng trăm binh sĩ mất mạng ở miển Đông Ukraine”. Do đó, họ đòi luận tội ông.
Điều tra
Trong khi đó, nhà chức trách thuế Úc hôm 4-4 cho Reuters biết họ đã cùng lực lượng cảnh sát liên bang mở cuộc điều tra khoảng 800 người giàu có là khách hàng của Mossack Fonseca. New Zealand, Ấn Độ, Pháp, Áo và Hà Lan có động thái tương tự
Một số nước có ngân hàng bị nêu tên như Na Uy, Thụy Điển… cũng đang tìm hiểu vụ việc.
Bình luận (0)