Vào cuối ngày đàm phán, họ công bố tuyên bố chung với nhiều mục tiêu tham vọng, trong đó đáng kể nhất là cam kết hướng tới một bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân. Tuy nhiên, bất chấp những hình ảnh thân mật, hội nghị kết thúc mà chưa đưa thế giới đến gần hơn một giải pháp thực sự nhằm phi hạt nhân hóa Triều Tiên.
Dù không ai thừa nhận tuyên bố chung chỉ mới nhấn mạnh nỗ lực giải giáp hạt nhân chứ không phải kết quả, và cả hai nhà lãnh đạo Hàn - Triều biết rằng muốn đạt được thỏa thuận về vấn đề này thì phải bàn đến chuyện quân đội Mỹ rời khỏi Hàn Quốc. Nếu Tổng thống Moon Jae-in của Hàn Quốc muốn duy trì quan hệ thân thiết với đồng minh hàng đầu sẽ rất khó để đưa quân Mỹ về nhà, nếu không nói là không thể.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (bìa phải) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dự tiệc tối sau Hội nghị Thượng đỉnh Hàn - Triều vào ngày 27-4Ảnh: REUTERS
Tuy vậy, ông Moon và ông Kim có vẻ sẽ tiếp tục hợp tác. Và họ có thời gian. Ông Moon mới nắm quyền chưa tới 1 năm trong nhiệm kỳ tổng thống 5 năm trong khi ông Kim có thể lãnh đạo Triều Tiên vô hạn định. Nếu cả hai phát triển được mối quan hệ cá nhân thân thiết, họ có thể thu về kết quả tốt.
Nhưng nên nhớ rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên còn có mục đích tối thượng nào đó chứ không chỉ đơn thuần là kết bạn mới. Ông Kim đang muốn nới lỏng vòng kềm tỏa của các lệnh trừng phạt để phát triển kinh tế đất nước song về cơ bản, Triều Tiên vẫn dựa trên hệ tư tưởng tự cường và đi theo con đường tách biệt với trật tự thế giới.
Thỉnh thoảng, quan hệ hữu hảo giữa các nhà lãnh đạo thế giới có thể định hình lịch sử - như cựu Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev hợp tác kết thúc Chiến tranh lạnh. Nhưng với bán đảo Triều Tiên, cần nhiều hơn giao tình cá nhân giữa ông Moon và ông Kim để có thể thay đổi đường đi của Bình Nhưỡng.
Bình luận (0)