Trong phán quyết của mình, Thẩm phán Thomas Au có nhắc đến một quy định được Quốc hội Trung Quốc thông qua hồi tháng 11-2016, theo đó các ứng viên sẽ bị bãi nhiệm nếu họ thay đổi lời tuyên thệ nhậm chức hoặc không có hành vi đúng đắn khi đọc nó.
Quy định trên được xem là sự can thiệp trực tiếp nhất của Bắc Kinh vào hệ thống pháp lý, chính trị của Hồng Kông kể từ khi đặc khu này được trao trả cho Trung Quốc năm 1997.
4 nhà lập pháp đối lập bên ngoài Tòa án Tối cao Hồng Kông hôm 14-7. Ảnh: SCMP
Trong số những nhà lập pháp bị bãi nhiệm có Nathan Law, 24 tuổi, một thủ lĩnh của các cuộc biểu tình phản đối năm 2014.
Khi tuyên thệ nhậm chức, Law đã thêm từ ngữ và có giọng điệu "bày tỏ thái độ nghi ngờ hoặc không tôn trọng" chủ quyền hợp pháp của Trung Quốc đối với Hồng Kông, theo phán quyết của tòa án.
Một nhân vật bị bãi nhiệm khác là nhà hoạt động kỳ cựu Leung Kwok-hung. Khi tuyên thệ nhậm chức, ông này đã cầm một cây dù vàng, biểu tượng của các cuộc biểu tình năm 2014, đọc các thông điệp ủng hộ dân chủ và rút ngắn lời tuyên thệ.
2 người còn lại là Lau Siu-lai, người cố tình đọc chậm lời tuyên thệ nhậm chức, và Edward Yiu, người thêm từ ngữ vào lời tuyên thệ.
Các nhà lập pháp trên cho biết đang xem xét kháng cáo phán quyết bãi nhiệm. Trong khi đó, tân đặc khu trưởng Hồng Kông Carrie Lam cho biết sẽ không can dự vào vụ việc dù cam kết cải thiện quan hệ với phe đối lập.
Hồi tháng 11, thẩm phán Au cũng phán quyết bãi nhiệm 2 nhà lập pháp ủng hộ độc lập.
Các nhà hoạt động đã chỉ trích 2 phán quyết trên, xem đây là hành động tấn công trực tiếp vào các quyền tự do ở thành phố.
Phe đối lập giành 30/70 ghế Hội đồng Lập pháp trong cuộc bầu cử hồi tháng 9-2016, một tỉ lệ đủ để có thể phủ quyết hầu hết dự luật hoặc những thay đổi đối với Luật Cơ bản.
Dù vậy, với 24 ghế còn lại, trong đó 4 nhà lập pháp đang đối mặt các trận chiến pháp lý khác, phe đối lập có nguy cơ mất quyền phủ quyết.
Bình luận (0)