Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 1-7 phát đi thông điệp cảnh báo mạnh mẽ nhất đến Hồng Kông kể từ khi lãnh thổ này được Anh trao trả cho đại lục 20 năm trước.
Nhiều thách thức
"Bất kỳ nỗ lực nào nhằm gây nguy hiểm cho chủ quyền và an ninh Trung Quốc, thách thức quyền lực của chính phủ trung ương cũng như Luật Cơ bản hoặc sử dụng Hồng Kông để tiến hành các hoạt động phá hoại đại lục đều là vượt qua lằn ranh đỏ và hoàn toàn không được phép" - ông Tập Cận Bình nhấn mạnh tại buổi lễ nhậm chức Đặc khu trưởng Hồng Kông của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga.
Trước đó một ngày, nhà lãnh đạo Trung Quốc nhận định chính sách "một quốc gia, hai chế độ" đang đối mặt "những thách thức mới" trong bối cảnh phe ủng hộ dân chủ đẩy mạnh biểu tình và chỉ trích Bắc Kinh gia tăng can thiệp vào nội bộ của đặc khu.
Cảnh báo về "lằn ranh đỏ" trên cũng gây nhiều sức ép lên nữ lãnh đạo đầu tiên của chính quyền đặc khu trong 20 năm qua. Phát biểu tại lễ nhậm chức, bà Lâm đề cập mục tiêu xây dựng một xã hội hài hòa và giảm giá nhà đang cao chót vót - một trong những vấn đề gây bất ổn tại địa phương. Ngoài ra, tân đặc khu trưởng còn cam kết có hành động pháp lý mạnh mẽ chống lại bất kỳ ai "gây tổn hại" đến chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của Trung Quốc.
Cuộc tuần hành của những người ủng hộ dân chủ tại Hồng Kông hôm 1-7 Ảnh: SCMP
Một số nguồn tin nói với Reuters rằng bà Lâm là người thông minh, có khả năng thúc đẩy những chính sách gây tranh cãi, từ đó được Bắc Kinh tin tưởng trước thềm cuộc bỏ phiếu bầu lãnh đạo Hồng Kông hồi tháng 3 qua. Dù vậy, phe chỉ trích cho rằng khuynh hướng cứng rắn và thân Bắc Kinh của bà đe dọa làm rạn nứt tại Hồng Kông thêm sâu sắc, cả về chính trị, kinh tế - xã hội.
Chỉ 4 nhà lập pháp ủng hộ dân chủ tham gia lễ nhậm chức của bà Lâm. Gần nơi diễn ra buổi lễ, một nhóm nhỏ nhà hoạt động ủng hộ dân chủ xô xát với một nhóm thân Bắc Kinh trong lúc hơn 100 cảnh sát bao quanh họ.
Mâu thuẫn, thất vọng
Chiều 1-7, mâu thuẫn trong lòng Hồng Kông và thái độ bất mãn với Bắc Kinh thể hiện rõ hơn qua cuộc tuần hành của hàng chục ngàn người tại Công viên Victoria, vịnh Đồng La. Sự kiện này diễn ra vài giờ sau khi chủ tịch Trung Quốc kết thúc chuyến thăm đặc khu. Cùng thời điểm, một liên minh các nhóm ủng hộ Bắc Kinh cũng tổ chức sự kiện ở Công viên Victoria, đồng thời chỉ trích phe "chống Trung Quốc".
Trước đó, vào sáng cùng ngày, đụng độ xảy ra gần Quảng trường Kim Tử Kinh, nơi tiến hành buổi lễ kỷ niệm 20 năm ngày Hồng Kông được trao trả cho Trung Quốc. Một nhóm vài chục nhà hoạt động bị cảnh sát ngăn lại và dẫn đi khi tìm cách đến gần quảng trường. Không dừng lại ở đó, ông Avery Ng, Chủ tịch Liên minh Dân chủ xã hội, tố đã bị cảnh sát mắng chửi và đánh đập sau khi bị lôi lên xe cảnh sát.
Ông Au Nok-hin, một thành viên Đảng Dân chủ, nhận định với tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng rằng nhiều cuộc biểu tình quy mô lớn hơn có thể diễn ra do Bắc Kinh gần đây nhận định Tuyên bố chung Trung Quốc - Anh năm 1984 về việc quản lý Hồng Kông sau khi hòn đảo được trao trả cho Trung Quốc "không còn giá trị thực tế".
Trong bài phát biểu ngay sau khi đến Hồng Kông hôm 29-6, ông Tập Cận Bình cam kết ủng hộ đặc khu về mặt kinh tế cũng như kêu gọi duy trì chính sách "một quốc gia, hai chế độ".
Tờ Sydney Morning Herald (Úc) dẫn lời ông Tim Summers, nhà nghiên cứu của Tổ chức Chatham House (Anh), cho rằng Bắc Kinh thích giữ nguyên hiện trạng ở Hồng Kông nhưng vấn đề là xã hội đặc khu đã thay đổi.
Trong cuộc khảo sát thường niên mới đây của Trường ĐH Hồng Kông, chỉ 3% người trẻ tuổi ở đặc khu xem mình là người Trung Quốc, giảm mạnh so với tỉ lệ 33% vào thời điểm diễn ra cuộc trao trả.
Giới phân tích nhận định điều cần làm lúc này để cải thiện tình hình là giải quyết những vấn đề kinh tế - xã hội đang góp phần khiến giới trẻ Hồng Kông thất vọng với cả chính quyền địa phương lẫn đại lục, như thiếu nhà ở có giá hợp lý, cạnh tranh tìm việc làm khốc liệt, hố sâu giàu nghèo nghiêm trọng…
Bình luận (0)