Đặc Khu trưởng Hồng Kông Carrie Lam cho biết ông Yuen đã xin từ chức vì lý do cá nhân, và ca ngợi ông này là trụ cột trong việc duy trì nền pháp trị của Hồng Kông.
Tuy nhiên, khoản thời gian ông đảm nhận vị trí trên chứng kiến không ít tranh cãi, trong đó có 2 vụ biểu tình hiếm hoi của hàng trăm luật sư.
Ông Yuen là một trong những quan chức chủ chốt được giao nhiệm vụ thúc đẩy gói cải cách chính trị hồi năm 2014, góp phần làm bùng lên các cuộc biểu tình đòi dân chủ - gọi là Phong trào Dù - ngoài đường phố kéo dài nhiều tháng trời sau đó.
Bà Carrie Lam và ông Rimsky Yuen tại một cuộc họp báo hôm 27-12-2017. Ảnh: Reuters
Quan chức 53 tuổi này cũng bị chỉ trích sau khi thúc đẩy một thỏa thuận nhập cư cho phép quan chức Trung Quốc thi hành luật pháp đại lục bên trong một nhà ga đường sắt cao tốc ở trung tâm đặc khu.
Hiệp hội Luật sư Hồng Kông gọi đây là bước thụt lùi tồi tệ nhất trong việc thực thi Luật Cơ bản của địa phương cho đến giờ.
Ngoài ra, có tin nói ông tìm cách thuyết phục Bắc Kinh không can thiệp vào phiên tòa xét xử các nhà lập pháp ủng hộ dân chủ năm ngoái, và công khai nói nên để Hồng Kông xử lý những vấn đề trong khuôn khổ hệ thống pháp lý hoặc tư pháp của đặc khu này.
Dù vậy, quốc hội Trung Quốc sau đó vẫn đưa ra bản diễn giải nội dung Luật Cơ bản (được xem là Hiến pháp Hồng Kông), qua đó "đánh phủ đầu" phán quyết của các thẩm phán bằng cách cấm các nhà lập pháp nói trên đảm nhận vị trí của họ. Điều này khiến 2.000 luật sư tuần hành phản đối điều họ gọi sự can thiệp của Bắc Kinh vào sự độc lập tư pháp của Hồng Kông.
Người sẽ ngồi vào chiếc ghế ông Yuen để lại là bà Teresa Cheng, 59 tuổi. Nhân vật này cam kết sẽ tiếp tục duy trì nền pháp trị đặc khu mà không chịu bất kỳ sự can thiệp nào từ bên ngoài.
Bình luận (0)