Bà Maria Tam Wai-chu, thành viên Ủy ban Luật Cơ bản, ngày 4-11 xác nhận cơ quan này đã nhận được lá thư của ông Trương Đức Giang, Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc (NPC). Trong thư, ông Trương nói Ủy ban Thường vụ NPC vào cuối tuần này sẽ diễn giải điều 104 của Luật Cơ bản và muốn hỏi ý kiến các thành viên ủy ban.
Điều 104 quy định các nhà lập pháp phải tuyên thệ tuân thủ Luật Cơ bản và trung thành với “Đặc khu Hành chính Hồng Kông của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”. Bà Maria Tam cho biết chính quyền Hồng Kông không yêu cầu Trung Quốc diễn giải, qua đó cho thấy Bắc Kinh chủ động ra tay để đối phó sự hỗn loạn và căng thẳng tại Hội đồng Lập pháp Hồng Kông thời gian qua.
Sixtus Baggio Leung Chung-hang (phải) và Yau Wai-ching đến tòa án hôm 3-11 Ảnh: Reuters
Cuộc khủng hoảng nổ ra sau khi 2 nhà lập pháp trúng cử là Yau Wai-ching, 25 tuổi và Sixtus Baggio Leung Chung-hang, 30 tuổi, trong lần tuyên thệ hôm 12-10 đã thêm vào những từ ngữ bị xem là xúc phạm Trung Quốc hoặc không nhìn nhận Hồng Kông là một phần của quốc gia đông dân nhất thế giới. Ông Lương Chấn Anh, Đặc khu trưởng Hồng Kông, đã yêu cầu tòa án tước bỏ tư cách nghị sĩ của 2 nhân vật ủng hộ dân chủ này với lý do họ không chịu tuyên thệ và không tuân thủ Luật Cơ bản.
Tòa án Tối cao Hồng Kông hôm 3-11 bắt đầu xem xét yêu cầu nêu trên và sẽ đưa ra phán quyết về việc 2 nhân vật này có thể tuyên thệ lại hay không. Dù vậy, theo Reuters, sự can thiệp của Trung Quốc có thể “đánh phủ đầu” phán quyết của tòa án. Vì thế, đã xuất hiện những ý kiến bày tỏ nỗi lo và chỉ trích rằng Trung Quốc đang can thiệp quá mức vào hệ thống pháp lý của Hồng Kông.
“Không có lý do gì mà tòa án (Hồng Kông) không thể giải quyết được vấn đề. Sự diễn giải của NPC sẽ phá hủy niềm tin vào ngành tư pháp Hồng Kông. Trong tương lai, sẽ không còn ai tin tưởng vào hệ thống pháp lý của chúng ta nếu có liên quan đến Trung Quốc” - ông Johannes Chan, giáo sư luật tại Trường ĐH Hồng Kông, nói với tờ The Guardian (Anh). Hiệp hội Luật sư Hồng Kông cũng ra tuyên bố cảnh báo hành động can thiệp nêu trên sẽ khiến cộng đồng quốc tế giảm niềm tin vào sự độc lập tư pháp và sự tự trị của địa phương này.
Bình luận (0)