Theo các nghiên cứu, tiêu thụ quá nhiều 3-MCPD hàng ngày trong thời gian dài có thể làm suy giảm chức năng thận hoặc khả năng sinh sản của trẻ em nam khi trưởng thành.
Hội đồng Người tiêu dùng Hồng Kông đã thu thập các mẫu sữa bột từ các siêu thị và cửa hàng. Trong số các mẫu được kiểm tra, mẫu chứa 3-MCPD ít nhất là sữa công thức đậu nành cho trẻ sơ sinh Similac Sensitive Isomil Soy của hãng Abbott (chỉ 13 microgam/kg) và mẫu chứa nhiều nhất là sữa bột Bellamy’s Organic của Úc (120 microgam 3-MCPD/kg).
Hội đồng Người tiêu dùng Hồng Kông ước tính một trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi, nặng 4,3kg ăn 6 bữa sữa mỗi ngày với nhãn hiệu sữa bột này sẽ có mức 3-MCPD vượt quá lượng khuyến nghị của Cơ quan An toàn Thực phẩm châu Âu.
Tương tự, tờ Apple Daily cũng lấy mẫu sữa bột có chứa 120 microgam 3-MCPD/kg làm ví dụ. Nếu cho trẻ bú theo lượng khuyến nghị ghi trên hộp sữa bột thì trẻ 1 tháng tuổi sẽ tiêu thụ khoảng 106 gam sữa bột mỗi ngày, lượng 3-MCPD vượt quá mức tối đa cho phép hàng ngày của châu Âu.
Trong số các mẫu được kiểm tra, mẫu chứa 3-MCPD ít nhất là 13 microgam/kg và mẫu chứa nhiều nhất là 120 microgam 3-MCPD/kg. Ảnh: QQ
Theo Hội đồng Người tiêu dùng Hồng Kông, có đến 9 mẫu sữa được kiểm tra chứa Glycidyl ester gây ung thư. Hàm lượng cao nhất là sữa bột dành cho trẻ sơ sinh Smart Baby của hãng Snow Brand được sản xuất tại Úc với 29 microgam/kg và sữa công thức dành cho trẻ sơ sinh Meiji của Nhật Bản với 27 microgam/kg. Trong khi đó, theo quy định của Liên minh châu Âu (EU) về sữa bột, giới hạn của Glycidyl este trên mỗi kg là 50 microgam.
Kết quả cũng cho thấy hàm lượng dinh dưỡng của nhiều loại sữa bột thấp hơn con số công bố, mức thấp nhất là thấp hơn khoảng 40%. Có thể kể đến sữa bột illuma của Wyeth dành cho trẻ sơ sinh có hàm lượng vitamin A thực tế ít hơn 21,9% so với ghi trên nhãn, hàm lượng vitamin B12 thực tế của sữa bột Meiji Infant Formula ít hơn 30% so với hàm lượng ghi trên nhãn. Cả hai đều vượt quá giới hạn sai số theo quy định.
Hội đồng Người tiêu dùng Hồng Kông kêu gọi các nhà sản xuất kiểm soát chất lượng và xem xét quy trình sản xuất của họ để đảm bảo hàm lượng đạt chuẩn. Ảnh: QQ
Ngoài ra kết quả kiểm tra cho biết tất cả các mẫu đều có chứa một lượng nhỏ chì, tuy nhiên hàm lượng trong mức cho phép theo các quy định liên quan về thực phẩm và không gây nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Còn về chất hóa dẻo và vi sinh vật, các mẫu kiểm tra đều đạt chuẩn.
Sữa bột đắt nhất trong số các mẫu sữa là illuma Infant Formula Milk Powder của Wyeth, 1 hộp 850 gram có giá 70 USD, rẻ nhất là Meiji Infant Formula có giá 32 USD 1 hộp 800 gram. Hội đồng Người tiêu dùng Hồng Kông cho biết mức giá chênh lệch gần gấp đôi nhưng cả hai loại sữa bột này đều được đánh giá 4 sao.
Sau khi đưa ra kết quả kiểm tra, Hội đồng Người tiêu dùng Hồng Kông kêu gọi các nhà sản xuất kiểm soát chất lượng và xem xét quy trình sản xuất của họ để đảm bảo hàm lượng đạt chuẩn.
Đây không phải là lần đầu tiên sữa bột công thức dành cho trẻ em khiến các gia đình Hồng Kông lo lắng. Hồi cuối năm 2012, một số sản phẩm sữa Nhật Bản là Wakodo và Morinaga có hàm lượng iốt thấp dưới mức quy định bị Hồng Kông thu hồi. Kết quả xét nghiệm cho thấy hàm lượng iốt trong các sảm phẩm sữa Wakodo và Morinaga chưa bằng 1/3 mức quy định của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Thời điểm đó, Cục Bảo vệ vệ sinh thực phẩm và môi trường Hồng Kông (FEHD) kêu gọi các bậc phụ huynh đã mua hai sản phẩm sữa bột này đưa con đến các trung tâm y tế để xét nghiệm máu. Ước tính có khoảng 2.000 trẻ bị ảnh hưởng sau khi dùng sữa Wakodo và Morinaga trong một thời gian dài.
Bình luận (0)