Cô Josephine Kuok, 37 tuổi, đã bị sa thải ngay ngày đầu tiên trở lại làm việc sau 10 tuần nghỉ thai sản. “Họ đã tìm một người đàn ông khác làm thế công việc của tôi” - người mẹ 2 con này bức xúc. Lý do được công ty đưa ra là cô không thể thực hiện các dự án mới. “Vào tháng 3-2015, tôi kiện chủ công ty cũ vì tự ý chấm dứt hợp đồng… Do không có tiền để thuê luật sư nên khi đó tôi chỉ hỏi bạn bè và tìm hiểu luật trên mạng” - cô Kuok nhớ lại.
Cựu nhân viên phòng nhân sự của công ty phụ tùng ô tô nói trên đã thắng kiện và nhận được số tiền bồi thường tương đương 2 tháng lương hồi tháng 2 này. Cô hy vọng câu chuyện của mình có thể khuyến khích những phụ nữ khác dũng cảm đấu tranh vì quyền lợi của họ.
Theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, cô Kuok là một trong hàng trăm phụ nữ đã nộp đơn khiếu nại lên Ủy ban Cơ hội Bình đẳng Hồng Kông (EOC) hồi năm ngoái. Trong 6 năm qua, EOC đã nhận được 1.435 đơn khiếu nại về vấn đề phân biệt giới tính. Khoảng 40% trong số đó than phiền họ bị phân biệt đối xử trong lúc mang thai.
Theo giới luật sư, thực trạng này trong thực tế còn nghiêm trọng hơn nhiều do nhiều phụ nữ ngại lên tiếng. Trung bình cứ 5 phụ nữ mang thai và mới sinh con ở Hồng Kông thì có một người bị phân biệt đối xử tại nơi làm việc.
Mặc dù số vụ khiếu nại liên quan đến phụ nữ mang thai giảm nhẹ từ 83 trường hợp trong năm 2014 xuống còn 65 vụ năm 2015 nhưng bà Kỷ Bội Nha, giáo sư luật tại Trường ĐH Hồng Kông, cho rằng sự sụt giảm này không phản ánh hết vấn đề. Bà Kỷ nhấn mạnh nguyên tắc xử lý của EOC chủ yếu dựa trên hòa giải nhưng người lao động thường thất thế hơn doanh nghiệp trong nhiều trường hợp. Đến khi hòa giải bất thành, EOC lại tỏ ra dè dặt trong việc đưa vụ việc ra tòa.
Trong khi đó, bà Ngô Mỹ Lâm, Giám đốc Hiệp hội Lao động nữ Hồng Kông, chỉ trích thủ tục của EOC khá quan liêu khiến không ít người từ bỏ khiếu nại vì không muốn làm tổn hại đến con họ.
Thời gian nghỉ sinh ở Hồng Kông đang ít hơn mức tối thiểu 14 tuần mà Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đề xuất trong lúc người chồng chỉ được nghỉ phép 3 ngày khi vợ sinh con. Điều này khiến không ít cặp vợ chồng lo ngại việc sinh con có thể ảnh hưởng đến công việc.
Đưa ra giải pháp cho vấn đề này, bà Ngô cho rằng kỳ nghỉ thai sản nên được kéo dài và lao động nữ phải được trả lương đầy đủ trong thời gian này, thay vì mức 4/5 lương như hiện nay.
Trong khi đó, theo bà Kỷ, nên có chính sách cho phép cặp vợ chồng chia sẻ ngày phép và sắp xếp ngày nghỉ trong vòng 1 năm sau khi có con. Cách làm này đã được áp dụng tại một số quốc gia như Anh, nơi cha mẹ có thể nghỉ phép tổng cộng 52 tuần sau khi có con hoặc nhận con nuôi. Theo các nhà hoạt động, đã đến lúc chính quyền tăng cường quyền lợi cho phụ nữ sắp sinh con và thúc đẩy một lực lượng lao động bình đẳng giới.
Bình luận (0)