Nhóm này bao gồm cựu nhân viên lãnh sự quán Anh Simon Cheng (Trịnh Văn Kiệt), nhà hoạt động Nathan Law (La Quán Thông) và công dân Mỹ Samuel Chu (Chu Mục Dân).
Theo CCTV, những "kẻ gây rối" này bị truy nã vì nghi ngờ vi phạm luật an ninh mới do Bắc Kinh áp đặt lên Hồng Kông. 6 người bị truy nã vì nghi ngờ kích động ly khai hoặc thông đồng với các lực lượng nước ngoài. Theo đó, cả hai tội này có thể bị xử phạt với mức án tù chung thân theo luật an ninh mới.
Cảnh sát Hồng Kông từ chối bình luận về sự việc.
Cảnh sát Hồng Kông đang tìm cách bắt giữ Simon Cheng (trái) và Nathan Law. Ảnh: EPA/Reuters
Simon Cheng, cựu nhân viên lãnh sự quán Hồng Kông của Anh, gần đây đã được cấp tị nạn chính trị ở Anh. Nathan Law, 27 tuổi, nhà hoạt động dân chủ cũng đã chạy sang Anh. Còn Samuel Chu là con trai của một trong những người sáng lập "Phong trào dù vàng" năm 2014.
Diễn biến mới này xảy ra sau khi các cuộc bầu cử hội đồng lập pháp dự kiến vào tháng 9 đã bị chính quyền Hồng Kông trì hoãn một năm. Đặc khu trưởng Hồng Kông Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga) nói rằng việc hoãn bầu cử là cần thiết vì dịch Covid-19 đang hoành hành nhưng phe đối lập cáo buộc dịch Covid-19 bị sử dụng như một cái cớ. Nhà Trắng cho rằng đây là động thái làm suy yếu nền dân chủ.
Trước đó, chính quyền đặc khu Hồng Kông cấm 12 ứng cử viên đối lập chạy đua bầu cử, trong đó có Joshua Wong (Hoàng Chi Phòng). Các chính trị gia dân chủ từng hy vọng tận dụng sự tức giận đối với Trung Quốc đại lục về luật an ninh mới để giành được đa số trong Hội đồng Lập pháp (LegCo). Nhiều người ở Hồng Kông lo rằng các quyền tự do vốn lẽ ra được bảo đảm cho đến năm 2047 đang bị đe dọa nghiêm trọng.
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas thông báo ngừng hiệp ước dẫn độ với Hồng Kông, sau khi đặc khu trưởng Carrie Lam tuyên bố hoãn cuộc bầu cử địa phương một năm. Ảnh: Reuters
Trong khi đó, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas ngày 31-7 thông báo Đức ngừng hiệp ước dẫn độ với Hồng Kông, nối gót Anh, New Zealand và Úc. Ngoại trưởng Đức nói thêm rằng Trung Quốc cần đảm bảo các quyền theo Luật cơ bản cũng như quyền tự do bầu cử và công bằng.
Ông Maas nói: "Quyết định loại bỏ 12 ứng viên phe đối lập và hoãn bầu cử là hành động xâm phạm quyền lợi của công dân Hồng Kông. Chúng tôi đã nhiều lần làm rõ mong muốn rằng Trung Quốc cần tuân thủ trách nhiệm theo luật pháp quốc tế".
Trước đó, Trung Quốc đáp trả bằng cách chấm dứt hiệp ước dẫn độ giữa Hồng Kông với Canada, Úc và Anh, cáo buộc các nước này "chính trị hóa việc hợp tác tư pháp với Hồng Kông" và "làm tổn hại nghiêm trọng nền móng hợp tác tư pháp".
Bình luận (0)