Phó Tổng thống Indonesia Jusuf Kalla nói với Reuters rằng Jakarta sẽ gửi thông điệp yêu cầu Bắc Kinh tôn trọng chủ quyền của họ đối với vùng biển nói trên. Cùng ngày, Bộ trưởng Hàng hải và Ngư nghiệp Indonesia Susi Pudjiastuti gọi hành động đánh bắt của tàu Trung Quốc là “tội phạm”, đồng thời nhấn mạnh sẽ chẳng có thỏa thuận nào giữa các quốc gia về việc cho phép ăn cắp cá.
Người phát ngôn Hải quân Indonesia, ông Edi Sucipto, cũng tuyên bố sẽ tiếp tục mạnh tay với tàu cá nước ngoài bị xem là hoạt động trái phép trong lãnh hải của mình.
Những lời lẽ cứng rắn trên được đưa ra một ngày sau khi Bắc Kinh cáo buộc tàu hải quân Indonesia “sử dụng vũ lực quá mức cần thiết” bằng cách nổ súng vào các tàu cá nước này đang hoạt động ở “ngư trường truyền thống của Trung Quốc” hôm 17-6 khiến một ngư dân bị thương. Tuy nhiên, Jakarta cho biết chỉ bắn cảnh cáo vào một số tàu cá Trung Quốc nhưng không có ai bị thương. Sau đó, một tàu cá Trung Quốc cùng 7 ngư dân bị Hải quân Indonesia bắt giữ.
Đây là vụ đối đầu thứ 3 giữa Hải quân Indonesia và tàu Trung Quốc gần Natuna từ đầu năm đến giờ. Phản ứng mạnh của Jakarta là điều dễ hiểu bởi Bắc Kinh đưa một phần quần đảo Natuna vào trong cái gọi là “đường lưỡi bò” mà nước này đơn phương vạch ra để độc chiếm biển Đông. Ông Kalla kêu gọi quốc gia này tuân thủ luật pháp quốc tế liên quan đến chủ quyền quần đảo Natuna.
Tầm quan trọng của luật pháp quốc tế cũng được ông Thad Allen, cựu chỉ huy Lực lượng Tuần duyên Mỹ, nhấn mạnh trước thực trạng các tàu tuần duyên gia tăng hoạt động tại biển Đông. Đáng lo ngại là tàu tuần duyên Trung Quốc được trang bị vũ khí và những tính năng không khác gì tàu hải quân, thường xuyên quấy rối tàu thuyền nước khác tại vùng biển tranh chấp.
Đề cập vụ Philippines kiện “đường lưỡi bò” ra Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague - Hà Lan, ông Allen nói với trang Bloomberg rằng bất kỳ nước nào cố tình vi phạm hoặc phớt lờ phán quyết của tòa án quốc tế sẽ đối mặt không ít rủi ro. Trong khi đó, tờ Financial Times nhận định cho dù phán quyết của PCA có là gì thì Trung Quốc trong mắt cộng đồng quốc tế vẫn giống một “kẻ bắt nạt” không tôn trọng luật pháp quốc tế.
Bình luận (0)