Trong bài diễn văn tại quốc hội, ông cũng hứa mở rộng các cảng biển của đất nước để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dù nguồn vốn cho dự án tham vọng này vẫn còn là dấu hỏi lớn.
Sự bành trướng của Trung Quốc ở biển Đông sẽ là trở ngại không nhỏ với ông Widodo. Ông Iis Gindarsah, nhà nghiên cứu quốc phòng tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược ở Jakarta, nói với đài BBC: “Vùng đặc quyền kinh tế ngoài khơi quần đảo Natuna (của Indonesia) và yêu sách đường 9 đoạn của Trung Quốc chồng lấn nhau. Đây là khu vực có nguy cơ xảy ra xung đột”.
Đối mặt mối đe dọa này, quân đội Indonesia dự kiến điều trực thăng Apache mua của Mỹ và một tiểu đoàn đến đảo Natuna trong năm 2015. “Chúng tôi cần thêm lực lượng tại đây. Không nên chờ đến khi có chuyện mới điều động” - ông Bambang Hendratno, quan chức quân sự cấp cao trên đảo Natuna, cho biết.
Theo các nhà phân tích, nhiệm kỳ 5 năm của vị tân tổng thống 53 tuổi còn đối mặt với một loạt thách thức khác, như liên minh đối lập chiếm đa số trong quốc hội, thâm hụt ngân sách, mối đe dọa của chủ nghĩa cực đoan và nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS), nạn tham nhũng...
Phép thử đầu tiên của ông Widodo là tìm kiếm sự ủng hộ cho việc cắt giảm trợ giá xăng để dành ngân sách cho chăm sóc sức khỏe và phát triển hạ tầng. Dư luận cũng đang chờ xem thành phần nội các mới để đoán biết lời hứa về một chính phủ trong sạch, hiệu quả và cam kết cải cách kinh tế của ông Widodo được hiện thực hóa đến đâu.
Lễ nhậm chức của ông Widodo có sự tham gia của nhiều quan chức và nhà lãnh đạo nước ngoài, trong đó có các thủ tướng Singapore, Malaysia, Úc và ngoại trưởng Mỹ John Kerry.
Reuters cho biết ông Kerry đã thúc giục ông Widodo duy trì vai trò tích cực trong chính sách đối ngoại mà chính phủ tiền nhiệm theo đuổi giữa lúc có lo ngại tân tổng thống Indonesia có thể “hướng nội” nhiều hơn.
Bình luận (0)