Tuyến đường sắt dài 150 km này dự kiến khởi công vào năm 2016 và đi vào hoạt động năm 2019. Đây là một phần trong kế hoạch xây dựng hệ thống đường sắt mới dài 750 km của Indonesia.
Việc ký kết khiến nhiều người bất ngờ bởi chỉ cách đây vài tuần, Indonesia đã hủy đề nghị của cả Trung Quốc và Nhật Bản do vấn đề tài chính.
Sau đó, Indonesia đổi ý và chọn Trung Quốc vì nước này không đòi hỏi có bảo lãnh và vốn nhà nước từ chính quyền Tổng thống Joko Widodo. Ngoài ra, theo Reuters, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc dự kiến cấp 75% vốn cho dự án trên. Có thể thấy Bắc Kinh sẵn sàng chấp nhận rủi ro tài chính cao để giành phần thắng trước Tokyo.
Không chỉ Trung Quốc mà cả Indonesia cũng đang “liều” với dự án, liên quan đến yếu tố an toàn, minh bạch và môi trường. Tai nạn tàu cao tốc khiến ít nhất 40 người thiệt mạng ở TP Ôn Châu - Trung Quốc năm 2011 chính là lời nhắc nhở.
Ngoài ra còn phải kể đến sự thiếu minh bạch của các công ty đường sắt Trung Quốc khi đấu thầu ở nước ngoài. Đó là lý do khiến chính phủ Mexico hồi tháng 11-2014 rút lại thỏa thuận trị giá 4,3 tỉ USD với một liên doanh do Trung Quốc đứng đầu nhằm xây dựng tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên ở nước này.
Trước đó, những nỗi lo về tác động môi trường và sự phản đối của công chúng đã khiến dự án đường sắt trị giá 20 tỉ USD nối tỉnh Vân Nam - Trung Quốc với vịnh Bengal bị hủy bỏ vào tháng 7-2014.
Bình luận (0)