Trong khi Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad tuyên bố Tehran ủng hộ hiệp ước buôn bán vũ khí, đại sứ Iran tại Liên Hiệp Quốc Mohammad Khazaee vẫn phát biểu không thể chấp nhận hiệp ước với hình thức như hiện nay.
Tương tự, đại sứ Syria Bashar Ja'afari cũng phản đối vì cho rằng hiệp ước này không cấm được hành vi chuyển vũ khí cho các nhóm phiến quân. Ông này nhấn mạnh: “Không may là mối quan tâm của chúng tôi đã không được xem xét. Đất nước tôi không thể chấp nhận hiệp ước này”.
Bên cạnh đó, phái đoàn Triều Tiên bày tỏ mối lo ngại tương tự, đồng thời cho rằng đây là một hiệp ước có sự phân biệt đối xử: “Hiệp ước này không đạt được sự cân bằng”.
Vũ khí của Syria. Ảnh: REUTERS
Các nhà ngoại giao thế giới nhận định Iran đang gánh chịu lệnh cấm vận vũ khí của Liên Hiệp Quốc do chương trình hạt nhân và tên lửa nên thiết tha mong muốn không bị tước mất việc nhập và xuất khẩu vũ khí, còn Syria đang chìm trong cuộc nội chiến kéo dài 2 năm thì hy vọng vũ khí của Iran và Nga tiếp tục được chuyển vào Syria.
Trong khi đó, Nga và Trung Quốc khẳng định sẽ không ngăn chặn hiệp ước trên nhưng lên tiếng bày tỏ e ngại văn kiện không đạt được sự nhất trí cao.
Ngoài ra, Ấn Độ, Pakistan và các nước khác than phiền hiệp ước này thiên vị các nhà xuất khẩu và tạo ra những bất lợi đối với các nhà nhập khẩu vũ khí.
Được biết, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc gồm 193 thành viên có thể đưa bản dự thảo hiệp ước vũ khí ra bỏ phiếu thông qua sớm là vào ngày 2-4. Nếu được thông qua, hiệp ước trên cần được ít nhất 50 quốc gia ký kết và phê chuẩn để có hiệu lực thi hành. Thị trường vũ khí hiện có giá trị 70 tỉ USD/năm.
Bình luận (0)