Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang có những bước đi nhằm ứng phó với lời đe dọa trả thù từ Tehran sau vụ không kích giết chết tướng Qasem Soleimani, Tư lệnh Lực lượng Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) tại thủ đô Baghdad - Iraq hôm 3-1.
Thông báo mới nhất của Lầu Năm Góc cho biết gần 3.000 binh sĩ đang được triển khai đến Trung Đông để đối phó "các mối đe dọa đang tăng" đối với lực lượng Mỹ tại khu vực. Một quan chức Mỹ giấu tên cho biết thêm Washington đang cân nhắc đưa thêm lực lượng để thực hiện những nhiệm vụ như bảo vệ Đại sứ quán Mỹ tại Lebanon. Trước đó, Mỹ đã đưa thêm khoảng 14.000 binh sĩ đến Trung Đông kể từ tháng 5-2019 sau khi căng thẳng với Iran gia tăng.
Bên trong nước Mỹ, an ninh tại các thành phố lớn đang được siết chặt theo sau diễn biến gây căng thẳng nói trên. Tuyên bố của ông Chad Wolf, quyền Bộ trưởng Bộ An ninh Nội địa Mỹ (DHS), nhấn mạnh cơ quan này sẵn sàng đương đầu và chống lại bất kỳ mối đe dọa nào bên trong nước Mỹ để bảo vệ an toàn của người dân. Theo ông Wolf, các quan chức cấp cao của DHS đã nhóm họp để đánh giá các mối đe dọa tiềm tàng mới và biện pháp ứng phó.
Binh sĩ Mỹ được tăng cường tại Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Baghdad - Iraq hôm 3-1 Ảnh: REUTERS
Sở Cảnh sát TP New York, TP lớn nhất nước và Thị trưởng Bill de Blasio cũng khẳng định họ đang trong tình trạng báo động cao trước bất kỳ hành vi đáng ngờ nào. Sở Cảnh sát TP Los Angeles cũng tuyên bố đang theo dõi tình hình sát sao và sẽ ứng phó khi cần thiết. Đài ABC News dẫn lời một số chuyên gia cho rằng các đơn vị chống khủng bố ở Mỹ đặc biệt quan tâm đến nguy cơ xảy ra các vụ tấn công do phong trào Hezbollah ở Lebanon đứng sau. Ông Bryan Paarmann, Phó Chủ tịch cấp cao Công ty An ninh tư nhân Brosnan Risk Consultants (Mỹ), cho biết trước khi xảy ra sự kiện khủng bố 11-9-2001 và sự trỗi dậy của mạng lưới Al-Qaeda, Hezbollah chính là nhóm sát hại nhiều người Mỹ nhất. Tuy nhiên, một số quan chức an ninh Mỹ nhấn mạnh rằng mối đe dọa tức thì hơn có lẽ nhằm vào công dân và các lợi ích của Mỹ ở nước ngoài, nhất là những nơi Iran có lực lượng ủy nhiệm (Syria, Iraq, Afghanistan…).
Theo Reuters, tướng Soleimani không chỉ là một tư lệnh quân sự nổi bật của Iran mà còn là người đứng sau sự gia tăng ảnh hưởng của Tehran tại Trung Đông. Vì thế, vụ tấn công tiêu diệt nhân vật này đánh dấu sự leo thang nguy hiểm trong cuộc đối đầu giữa Iran và Mỹ cùng các đồng minh, nổi bật là Israel và Ả Rập Saudi, ở khu vực. Câu hỏi đặt ra lúc này là liệu Iran có hiện thực hóa lời đe dọa trả thù Mỹ sau vụ tấn công trên hay không và nếu có thì vào thời điểm nào và bằng cách nào.
Một báo cáo hồi tháng 12-2019 của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ (DIA) chỉ ra rằng sức mạnh quân sự của Iran dựa vào 3 thành phần chủ chốt: Chương trình tên lửa đạn đạo, lực lượng hải quân và các lực lượng dân quân ủy nhiệm tại những nước như Syria, Iraq, Lebanon. Vì thế, theo đài NBC News, Tehran không thiếu mục tiêu nếu quyết định trả thù. Nổi bật trong số này là lực lượng Mỹ đang hiện diện khắp Trung Đông, trong đó có Iraq, Syria, Qatar, Bahrain, Kuwait, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Các phái bộ ngoại giao và công dân Mỹ tại khu vực cũng là những mục tiêu tiềm tàng. Chưa hết, các đồng minh của Mỹ tại Trung Đông và tàu chở dầu có nguy cơ trúng đòn trả đũa của Iran hoặc các lực lượng ủy nhiệm của Tehran.
Dù vậy, ông Ali Alfoneh, chuyên gia tại Viện Các quốc gia vùng Vịnh Ả Rập (Mỹ), nhận định Tehran có thể không vội vã hành động. "Iran không có lựa chọn nào khác ngoài việc trả đũa vụ ám sát tướng Soleimani. Tuy nhiên, đây là một quốc gia kiên nhẫn và hiện chưa rõ họ sẽ trả thù kiểu gì và lúc nào" - ông Alfoneh nhận định với hãng tin Reuters. Tương tự, ông Philip Smyth, một chuyên gia tại Viện Washington về chính sách Cận Đông, đánh giá Tehran sẽ lên kế hoạch đáp trả theo thời gian biểu của riêng mình.
Mặt khác, cũng có ý kiến cho rằng cánh cửa ngoại giao không hoàn toàn khép hẳn dù đây là lựa chọn không dễ. Phát biểu sau cái chết của tướng Soleimani, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhấn mạnh Washington cam kết giảm căng thẳng tại khu vực. Trong khi đó, theo một số nhà phân tích, giới lãnh đạo Iran trong quá khứ luôn cố để ngỏ giải pháp ngoại giao nhằm đạt được các mục tiêu của mình. "Một cuộc đối đầu quân sự sẽ gây thiệt hại cho cả 2 bên. Trong khi đó, ngoại giao có thể giải quyết được nhiều vấn đề và đó là một lựa chọn" - một nhà ngoại giai cấp cao trong khu vực cho hay.
Bình luận (0)