Tổng thống theo khuynh hướng cải cách của Iran, ông Hassan Rouhani, có thể gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama trong một cuộc tiếp xúc không chính thức đã được sắp đặt tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ) vào tuần tới, giữa lúc có những dấu hiệu về một lập trường mềm mỏng ở Iran.
Ông Rouhani sẽ phát biểu tại Đại hội đồng LHQ vào thứ ba tới, vài giờ sau diễn văn khai mạc của tổng thống nước chủ nhà Barack Obama. Tuy là sự trùng khớp ngẫu nhiên, cuộc gặp mang đậm tính biểu tượng này có tầm quan trọng nhất định bởi nó làm lóe sáng hy vọng về một sự đột phá trong quan hệ giữa hai nước.
Các nhà quan sát sẽ theo dõi liệu hai nhà lãnh đạo có gặp nhau trong phạm vi tòa nhà LHQ ở Manhattan hay không, dù dấu hiệu mới nhất cho thấy họ có thể có sự chào hỏi theo nghi thức hơn là cuộc hẹn chính thức.
Hôm thứ sáu vừa qua, ông Rouhani - người đã được bầu làm tổng thống với tư cách một ứng viên ôn hòa hồi tháng 6 và đã nhận chức tháng trước - kêu gọi “sự tương tác mang tính xây dựng với thế giới” trong một bài báo đăng trên tờ the Washington Post. Bằng một giọng điệu tương phản hoàn toàn với người tiền nhiệm Mahmoud Ahmadinejad, ông viết: “Đã qua rồi thời kỳ hận thù... Một sự tiếp cận xây dựng bằng con đường ngoại giao mang ý nghĩa ràng buộc giữa các đối tác”.
Ông Rouhani còn nói rằng “tâm tính thời chiến tranh lạnh xưa kia dẫn đến sự mất mát cho mọi người” và bày tỏ mong muốn “thoát khỏi thế bế tắc” trong các quan hệ, kể cả về chương trình hạt nhân gây tranh cãi. Rõ ràng đó là sự mềm mỏng.
Giọng điệu hòa giải hơn từ Iran đang đang được xem xét ở Washington như một sự kỳ vọng lớn nhằm kết thúc mối quan hệ thù địch với nước cộng hòa Hồi giáo kể từ khi Tổng thống Obama trở thành ông chủ Nhà Trắng năm 2009 - thời điểm ông hứa dồn sức đặt quan hệ hai nước trên một nền tảng mới.
Nếu hai ông Obama và Rouhani gặp nhau ở New York vào tuần tới, đó sẽ là sự tương tác mặt đối mặt đầu tiên giữa nguyên thủ hai nước kể từ cuộc cách mạng Iran năm 1979. Động lực cho sự công khai trong cách tiếp cận ở Tehran dường như là những biện pháp cấm vận quốc tế đang được thực thi, buộc nền kinh tế Iran phải trả giá nặng nề.
Geneive Abdo, cựu phóng viên tờ The Guardian ở Tehran và hiện là thành viên của nhóm chuyên gia phi đảng phái ở Trung tâm Stimson, nhận xét các biện pháp cấm vận đã khiến việc xuất khẩu dầu rơi tụt xuống và Iran không thể tham gia vào hệ thống ngân hàng thế giới khiến việc bán hàng hóa để thu về ngoại tệ mạnh bị ngăn chặn.
Chuyên gia Abdo cũng cho rằng có dấu hiệu chính quyền Iran lo sợ nỗi khổ về kinh tế kéo dài có thể châm ngòi cho một đợt phản đối khác của nhân dân, như sự bất ổn năm 2009 dẫn đến cuộc đàn áp không nương tay của chính quyền sau đó.
Bình luận (0)