Phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, ông Rouhani cũng chỉ trích các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran là “thô bạo và quá ấu trĩ”. Ông nói thêm rằng rốt cuộc thì chỉ có dân thường mới là những người chịu đau khổ bởi những biện pháp trừng phạt chứ không phải các quan chức chính trị. Ông khẳng định: “Tác động của trừng phạt không chỉ gói gọn trong những mục tiêu mà nó nhằm vào”.
Mặt khác, ông Rouhani cho rằng “cái gọi là mối đe dọa của Iran” chỉ là tưởng tượng. Ông khẳng định: “Iran hoàn toàn không phải là mối đe dọa đối với thế giới hoặc khu vực. Vũ khí hạt nhân và hủy diệt hàng loạt không có chỗ đứng trong học thuyết an ninh và quốc phòng của Iran, đồng thời đi ngược lại đức tin về tôn giáo và đạo đức của chúng tôi. Việc loại bỏ những nghi ngờ về chương trình hạt nhân hòa bình của Iran là việc phải làm vì lợi ích quốc gia”. Tuy nhiên, ông Rouhani không đưa ra bất kỳ sự nhượng bộ mới nào.
Tổng thống Iran Hasan Rouhani (trái) và người đồng cấp Pháp Francois Hollande gặp nhau hôm 24-9
Ảnh: AP
Israel: Iran "lừa đảo thế giới"
Phản ứng trước bài phát biểu của Tổng thống Iran Hassan Rouhani tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ngày 24-9, ông Yuval Steinitz - Bộ trưởng Các vấn đề chiến lược và tình báo Israel, người đứng đầu đoàn đại biểu của Israel - cho rằng đó là "sự lừa đảo".
Ông Steinitz cho rằng Iran chỉ có một trong hai lựa chọn: từ bỏ chương trình hạt nhân để bảo vệ nền kinh tế hoặc bảo vệ chương trình hạt nhân và hủy hoại nền kinh tế.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cũng cảnh báo "thế giới không nên bị lừa", nhưng ông bác bỏ các kế hoạch tấn công nhằm trừng phạt chương trình hạt nhân của Iran. |
Phát biểu trước ông Rouhani, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết ông cảm thấy khích lệ bởi đường lối ôn hòa của ông Rouhani và cam kết sẽ theo đuổi biện pháp ngoại giao để giải quyết vấn đề hạt nhân của Iran.
Tuy nhiên, việc Mỹ và Iran không thể dàn xếp được một cái bắt tay được kỳ vọng giữa hai nhà lãnh đạo này cho thấy vẫn còn sự ngờ vực giữa hai bên.
Các quan chức Nhà Trắng cho biết ông Obama sẵn sàng gặp ông Rouhani bên lề kỳ họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc nhưng phía Iran vẫn chưa chuẩn bị cho một cuộc gặp như thế. Việc tiếp xúc giữa 2 nước sắp tới sẽ do 2 ngoại trưởng đảm nhiệm.
Không phải ông Obama mà chính Tổng thống Pháp Francois Hollande mới là nhà lãnh đạo phương Tây đầu tiên bắt tay và trao đổi với ông Rouhani bên lề kỳ họp. Một quan chức Pháp cho biết hai nhà lãnh đạo đã bàn về chương trình hạt nhân của Iran, cuộc khủng hoảng Syria và tình hình Lebanon trong cuộc gặp “lịch sự và nhã nhặn” kéo dài 40 phút.
Trước đó, phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, ông Hollande cho biết Pháp muốn thấy những hành động cụ thể của Iran để chứng tỏ nước này sẽ từ bỏ chương trình hạt nhân quân sự của mình.
Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm 24-9
Ảnh: AP
Ngoài ông Hollande, nhà lãnh đạo Iran còn thảo luận với Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế Christine Lagarde về các chính sách kinh tế của Tehran và những biện pháp nhằm tăng cường quan hệ song phương. Những cuộc gặp trên là dấu hiệu mới nhất cho thấy ông Rouhani đang tìm cách cải thiện quan hệ với phương Tây và chấm dứt sự cô lập của quốc tế đối với Iran.
Trong một diễn biến khích lệ khác, Ngoại trưởng Thụy Sĩ Didier Burkhalter cho biết cuộc đàm phán về vấn đề hạt nhân của Iran có thể nối lại ở Geneva vào tháng 10 tới.
Bình luận (0)