Ngày 10-6-2014, Mosul - thành phố lớn thứ hai của Iraq với 2 triệu dân - rơi vào tay IS trong sự bàng hoàng của Iraq và thế giới. Với người dân Mosul, lần đầu tiên họ biết thế nào là "thiên đường Hồi giáo" dưới sự cai trị của chính quyền IS.
Đó thật sự là địa ngục trần gian, nhất là đối với phụ nữ.
Hà khắc, tàn bạo
Chị Sherazade - 35 tuổi, làm nghề dạy học - nhớ lại: "Ngày đầu tiên Mosul vào tay IS, khi ra đường, tôi thấy một biểu ngữ rất lạ vẽ trên tường "Cái đẹp chân chính cần phải được che giấu", hô hào phụ nữ Mosul che giấu nhan sắc bằng cách dùng vải đen che toàn bộ thân người".
Khi quân đội Iraq tái chiếm bờ Đông sông Tigris chảy qua Mosul cách đây 3 tháng, dòng chữ trên vẫn còn đó, nhắc nhở mọi người sự hiện diện một thời của chính quyền tàn bạo IS. Chị Sherazade kết luận: "Chúng muốn nhốt phụ nữ vĩnh viễn trong nhà". Thế nhưng, đó chưa phải là nỗi khổ duy nhất.
Chị Sherazade kể: "Lúc đầu, lính IS tự xưng là quân giải phóng. Họ cam kết mọi người có thể sống và làm việc bình thường trong thành phố". Tuy nhiên, qua ngày 11-6-2014, chính quyền IS ban hành "Wathiqat al-Madina" (Hiến pháp của thành phố), trong đó đặc biệt nhấn mạnh "phụ nữ không được ra khỏi nhà trừ khi có việc tối cần thiết".
Hiến pháp được in ra giấy dán đầy tường phố và phân phát tận nhà dân từ tháng 7-2014.
Phụ nữ còn bị cấm uống nước nơi công cộng, nhìn vào mắt đàn ông lạ hoặc nói chuyện với họ, thậm chí không được ra vườn nhà phơi đồ nếu không che mạng trên mặt. Phụ nữ phải mang đủ 5 phụ kiện: giày đen, bao tay đen, jibab (áo chùng che toàn thân), niqab (khăn trùm đầu) và miếng che mặt để che mắt.
Với trang phục này, phụ nữ cảm thấy rất nóng và luôn vấp té vì không thấy đường.
Bức tường vẽ biểu ngữ “Cái đẹp chân chính cần phải được che giấu” của IS ở Mosul Ảnh: TRIBUNE DE GENÈVE
Trong quyển "What kind of liberation - Women and the occupation of Iraq", hai nữ tác giả Nadje al-Ali và Nicola Pratt nhận định: "Các phong trào Hồi giáo coi phụ nữ là biểu tượng thiết yếu trong việc xây dựng một đất nước". Thật vậy, trong gần 3 năm chiếm đóng Mosul, IS cố gắng xây dựng "người phụ nữ mới" theo ý thức hệ của tổ chức này.
Tháng 5-2015, IS chính thức phổ biến: "Nhiệm vụ cơ bản của phụ nữ là ở nhà với chồng con". Họ còn nói "mô hình phụ nữ theo kiểu phương Tây phá sản một khi phụ nữ được "giải phóng" ngay trong căn phòng tại nhà của mình".
Tục tảo hôn được IS cho phép. Bé gái lên 9 có thể lấy chồng, sinh con. Chương trình giáo dục của IS áp dụng với trẻ em gái từ 7 đến 15 tuổi gồm học kinh Koran, luật Hồi giáo Sharia và may thêu.
Để thực thi luật Sharia, IS lập đội cảnh sát Hồi giáo Diwan al-Hisba (riêng nữ có đội Katiba al-Khansa) rảo khắp Mosul bằng xe chuyên dụng. Hình phạt được áp dụng ngay tại hiện trường, nhẹ nhất là đánh 25 roi.
Một bà mẹ cho con bú để lộ một phần ngực trong bệnh viện lập tức bị al-Khansa trừng phạt bằng cách lấy kìm kẹp núm vú, thậm chí dùng răng cắn chảy máu. Katiba al-Khansa là đội quân cảnh sát hỗn hợp phụ nữ địa phương và phụ nữ nước ngoài.
Cắn vú chảy máu là "sáng kiến" tàn ác của một nữ cảnh sát người Tunisia.
Lá chắn sống
Một trong những tội ác tày đình của IS là dùng thường dân Mosul làm lá chắn sống khi giao tranh với quân đội Iraq. Chiến thuật này gây rất nhiều khó khăn cho quân đội Iraq. Nó cũng khiến Mỹ và đồng minh trở thành kẻ ác khi máy bay của họ tấn công IS giết luôn phụ nữ và trẻ em bị chúng dùng làm lá chắn sống.
Chuyên gia chống khủng bố Iraq Karim Aljobory nói với phóng viên đài Fox News: "Chúng quấn đai bom vào phụ nữ và trẻ em Iraq. Chúng tôi không thể phân biệt ai là lính IS, ai là thường dân. Nhiều người trong chúng tôi chết vì những người đeo đai bom bất đắc dĩ đó".
Binh lính Iraq còn gặp nhiều tình huống trớ trêu khác, như IS núp trong nhà dân, thánh đường Hồi giáo, bệnh viện, trường học... Nếu họ tấn công vào những chỗ đó thì chẳng khác nào tấn công thường dân.
IS còn dùng chiến thuật núp sau lưng thường dân, đẩy họ ra phía trước để tấn công quân Iraq. Phóng viên Fox News từng chứng kiến cảnh IS chất đầy trẻ em lên xe để di chuyển từ thị trấn này sang thị trấn khác. Chúng biết rõ xe có thể trở thành mục tiêu ném bom của máy bay Mỹ và đồng minh.
Số phận các nô lệ tình dục thuộc bộ tộc Yazidi còn bi thảm hơn. Họ bị nhốt trong các nhà tù đào sâu trong lòng đất của IS. Mỗi khi bị ném bom hoặc bị nã đạn pháo, IS dùng họ làm vật che chắn. Nhiều người may mắn sống sót nhưng mang sẹo đầy mình.
Nhiều gia đình bị lính IS bắt cóc làm con tin khi di chuyển từ chỗ này sang chỗ khác. Nếu kháng cự, cả gia đình sẽ bị giết ngay lập tức. Nữ chiến binh IS cũng thường bắt cóc trẻ em bồng trên tay giả dạng thường dân để tránh né hoặc tấn công lính Iraq.
IS còn dùng thủ đoạn đê tiện khác là tống tiền thường dân. Ai không muốn trở thành lá chắn sống phải nộp tiền tươi. Đây cũng là một cách bổ sung ngân sách nuôi dưỡng bộ máy IS.
Không chỉ Mosul, chiến thuật dùng thường dân làm lá chắn sống còn được IS áp dụng rộng rãi tại Raqqa, thủ đô "vương quốc Hồi giáo IS" ở Syria. Trong chiến tranh, chiến thuật này không mới mẻ gì nhưng cách sử dụng với tần suất dày đặc chỉ có thể thấy ở Mosul và Raqqa.
Đó cũng là nguyên nhân khiến quân đội Iraq bị hao binh tổn tướng khá nặng nề. Họ mất đến 9 tháng mới đẩy được quân IS ra khỏi Mosul. Chiến thắng này có cái giá quá đắt.
Chiến trường khốc liệt
Người Ả Rập chinh phục TP Mosul năm 641 trước Công nguyên. Có vị trí đắc địa, nằm ở ngã tư các con lộ giao thương giữa Syria và Ba Tư, Mosul trở thành trung tâm thương mại sầm uất vào thế kỷ thứ VII sau Công nguyên. Người Mông Cổ đánh chiếm và tàn phá thành phố này vào năm 1262. Sau đó, nó rơi vào tay Ba Tư và Đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ Ottoman.
Đến năm 1918, nước Anh sáp nhập Mosul và vùng đất bao quanh vào Iraq - lúc đó dưới sự bảo hộ của Anh. Năm 1925, Pháp sáp nhập Mosul vào đất Syria (dưới sự bảo hộ của Pháp) và được Hội Quốc Liên (tiền thân của Liên Hiệp Quốc) công nhận, bất chấp sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ.
Mosul là thủ phủ tỉnh Nineveh. Đa số dân ở đây là người Kurd theo đạo Hồi phái Sunni. Sau khi Mỹ đánh chiếm Iraq năm 2003, Mosul trở thành chiến trường ác liệt nhất, đặc biệt khi nó rơi vào tay IS cách đây 3 năm.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 16-7
Kỳ tới: Thách thức nặng nề sau giải phóng
Bình luận (0)